Trao đổi với VnBusiness xung quanh nội dung này, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Nguyễn Thanh Bình khẳng định, câu chuyện giá sầu riêng giảm chỉ mang tính thời điểm và diễn ra trong thời gian rất ngắn. Giá cả biến động có lúc tăng và có lúc phải giảm, như vậy mới là thị trường.
Nhưng rõ ràng nếu như năm ngoái, quả sầu riêng mang về niềm vui lớn thì năm nay, ngay từ đầu năm quả sầu riêng lại đang mang lại 'nỗi sầu' cho nông dân và doanh nghiệp. Ở góc độ đại diện cho Hiệp hội, ông nhận định thế nào về câu chuyện này?
Xuất khẩu sầu riêng trong 2 tháng đầu năm giảm, có nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, sầu riêng của Việt Nam hiện nay chưa vào vụ, thông thường từ tháng 11 đến hết tháng 3 năm nay sầu riêng bán tại thị trường là sầu riêng nghịch vụ, với số lượng ít, khiến sản lượng xuất khẩu giảm đi nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT).
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua sầu riêng xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng bởi các quy định mới của thị trường Trung Quốc khi họ siết kiểm nghiệm chất cấm cụ thể là chất vàng O.
Đặc biệt, trước việc hàng loạt lô sầu riêng Thái Lan có chất vàng O và bị trả lại, đã ảnh hưởng đến giá và chuỗi cung ứng của thị trường Việt Nam. Một số DN chuyên xuất khẩu sầu riêng đi thị trường trên đã chủ động dừng thu mua và cung ứng, mặc dù trên thực tế, không phải tất cả các sản phẩm sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều không đáp ứng tiêu chuẩn.
Để xử lý tình trạng trên, hiện Nhà nước, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những ý kiến; các DN của Việt Nam cũng đã có những đề nghị giải pháp để câu chuyện tương tự sẽ không xảy ra.
Cụ thể, đó là khẩn trương tăng cường và đưa các đơn vị, trung tâm kiểm nghiệm đi vào hoạt động để có quyền giám định, kiểm định các chất vi phạm... như vàng O, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất tăng trọng, chất kích thích... Hiện nay, danh sách các cơ sở đủ tiêu chuẩn cấp phép hiện chưa công bố đầy đủ. Cục Bảo vệ Thực vật của Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Hiệp hội và một số các DN liên quan đang chỉ đạo tăng cường các cơ sở kiểm định có đủ năng lực, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Còn về câu chuyện giá tăng hay giảm theo tôi là theo thị trường, khi nhu cầu cao mà nguồn cung không đáp ứng được thì giá cao; ngược lại khi nhu cầu giảm đi, nguồn cung vượt nhu cầu thì giá cũng sẽ giảm.
Việc giá sầu riêng giảm sâu trong 2 tháng đầu năm, một phần do các địa phương tăng diện tích vùng trồng không kiểm soát, dẫn đến dư thừa phải giảm giá.
Một lý do khác có yếu tố chủ quan từ những người kinh doanh trong lĩnh vực này, đó là các DN cạnh tranh lẫn nhau, họ có những tác động điều khiển giá thị trường lúc thì đẩy lên cao lúc thì lại tìm cách ép xuống.
Còn thực tế, việc giá sầu riêng giảm trong những ngày qua nó chỉ mang tính thời điểm rất ngắn, bởi sau đó giá cũng đã tăng trở lại. Ví dụ, sau khi có thông tin về các lô hàng lớn sầu riêng từ Thái Lan có chứa chất vàng O không xuất đi được, ngay lập tức sẽ tác động làm cho giá sầu riêng trong nước rớt giá. Đó là câu chuyện của thị trường, giá cả biến động có lúc tăng và có lúc phải giảm, như vậy mới là thị trường.
Sau những ngày giảm giá sâu, giá sầu riêng thu mua xuất khẩu hiện đã tăng trở lại về mốc 100.000 đồng/kg.
Hiện, giá sầu riêng tại các vùng nguyên liệu đang tăng trở lại do hàng đã thông quan sang Trung Quốc, tuy số lượng còn chưa nhiều do doanh nghiệp và người dân đang làm quen với các quy định mới liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
Qua việc sầu riêng xuất khẩu không đáp ứng đủ các quy định từ phía Trung Quốc nên đã phải "quay đầu", ông đánh giá hay khuyến nghị gì để giảm thiệt hại đối với các loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam?
Nói chung, các hàng rau quả tươi xuất khẩu được sản xuất tại các vùng trồng của Việt Nam hiện vẫn còn một số tình trạng vi phạm. Các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông cũng đã nói nhiều. Chúng tôi khuyến nghị, lưu ý tới người trồng, người sản xuất, bảo quản và doanh nghiệp không được sử dụng các chất cấm như đã nói. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng những lô hàng còn tồn dư các lượng chất trên.
Để xảy ra tình trạng này, tôi cho rằng một phần do có sự thiếu hiểu biết của người dân, một phần cũng có người cố tình vi phạm. Các lô hàng trước khi xuất khẩu đều được kiểm định, tuy nhiên không thể kiểm tra 100% hàng hóa được nên khi có hàng vi phạm, sẽ nằm trong phần xác suất thôi.
Do đó, để giảm thiệt hại, chúng ta cần tuyên truyền giáo dục, vận động bà con hiểu rõ, tuân thủ các quy định. Nếu chúng ta vị phạm, thiệt hại rất lớn sẽ xảy ra mà bà con sẽ là những người phải chịu thiệt hại nhiều nhất. Bên cạnh đó, về phía Nhà nước, cũng cần có các biện pháp, chế tài để xử lý nghiêm với các đơn vị vi phạm...
Được biết, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Xin ông cho biết lý do?
Sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh (8/2024), cho thấy đó là cơ hội rất tốt. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.
Tuy nhiên, do trước đó chúng ta chưa đẩy mạnh mặt hàng này trong khi các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh luôn cần phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản...
Do đó, sau khi chúng ta chính thức ký kết xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, các DN Việt Nam mới tập trung đầu tư kho lạnh bảo quản, dây chuyền sản xuất. Chính vì lẽ đó, câu chuyện xuất khẩu sầu riêng đông lạnh phải sau cả năm mới thực hiện được, chứ không phải câu chuyện một sớm một chiều.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Hương thực hiện