Chủ tịch WEF: Việt Nam sẽ là cường quốc kinh tế hàng đầu 20-30 năm tới

Chủ tịch WEF: Việt Nam sẽ là cường quốc kinh tế hàng đầu 20-30 năm tới
4 giờ trướcBài gốc
GS Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF chia sẻ tại buổi talkshow sáng 6/10 ở TP.HCM. Ảnh: FSC.
Sáng 6/10, UBND TP.HCM phối hợp cùng Đại học Hoa Sen tổ chức Talkshow "Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ".
Chương trình có sự tham gia của GS Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cùng khoảng 1.200 người là lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp sáng tạo, công dân trẻ tiêu biểu... trên địa bàn TP.HCM.
Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch TP.HCM cho biết TP đang trong giai đoạn tái cấu trúc để chuyển đổi nền kinh tế, trên cơ sở phát huy yếu tố khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức. Do đó, chủ đề đối thoại rất thiết thực, hữu ích cho TP.HCM.
"Buổi đối thoại này sẽ gợi ý cho TP những định hướng đúng, giải pháp đúng và những người trực tiếp tham dự đối thoại cũng là những người đóng góp cho xây dựng, phát triển TP", ông nói.
Chia sẻ trong buổi đối thoại, GS Klaus Schwab nhận định thế giới đang trải qua một giai đoạn căng thẳng. Xu hướng đa dạng hóa theo đó nổi lên, và Việt Nam là một thành tố rất quan trọng.
"20-30 năm nữa, chắc chắn Việt Nam sẽ là một trong 40 cường quốc kinh tế quan trọng nhất thế giới. Việt Nam sẽ khiến thế giới ngạc nhiên về năng lực đổi mới của mình", Chủ tịch WEF nhấn mạnh.
GS Klaus Schwab cho rằng sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược.
Theo ông, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu.
Nhà sáng lập WEF nhận định quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể đạt giá trị 2.000 tỷ USD vào năm 2050. Điều này dựa vào các yếu tố thực tế là quy mô thị trường lớn với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động 6-7% và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30 tuổi.
Giáo sư Klaus Schwab nhìn nhận tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử, sản xuất.
"Tuy nhiên, đến năm 2050, cấu trúc kinh tế và xã hội sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang Kỷ nguyên Trí tuệ", Chủ tịch WEF bổ sung.
Liên Phạm
Nguồn Znews : https://znews.vn/chu-tich-wef-viet-nam-se-la-cuong-quoc-kinh-te-hang-dau-20-30-nam-toi-post1502395.html