Tháng 3/2023, y sỹ Hoàng Văn Tú có quyết định chuyển công tác từ Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương sang Trung tâm Y tế huyện, nhận nhiệm vụ Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Y tế xã La Pan Tẩn trong thời gian đồng chí trạm trưởng đi đào tạo trình độ đại học.
La Pan Tẩn là xã vùng cao, khó khăn của huyện Mường Khương, cách trung tâm huyện hơn 30 km. Nhận nhiệm vụ, y sỹ Hoàng Văn Tú đã nhanh chóng làm quen với môi trường công tác mới, tranh thủ thời gian đi đến các thôn trên địa bàn để nắm tình hình và triển khai các công việc.
Y sỹ Hoàng Văn Tú chia sẻ: Xã La Pan Tẩn có 10 vùng lõm (ở 6/9 thôn) không có sóng điện thoại, địa bàn bị chia cắt thành nhiều khu vực gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động người dân. Mặt khác, trình độ văn hóa của người dân không đồng đều, nhận thức về các chương trình y tế, đặc biệt là vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kế hoạch hóa gia đình… còn hạn chế. Chính vì vậy, để triển khai hiệu quả hoạt động, chúng tôi thực hiện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã, phát huy vai trò “cánh tay nối dài” của y tế thôn bản, cộng tác viên dân số…
Thực hiện Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, bác sỹ Chảo Văn Lù, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương được cử đến làm việc 1 tuần tại Trạm Y tế xã Nấm Lư từ ngày 2/12/2024.
Trong quá trình làm việc, bác sỹ Lù thực hiện cập nhật, nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế xã về quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trên địa bàn huyện Mường Khương đang từng ngày nỗ lực khắc phục khó khăn thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tốt các hoạt động dự phòng, điều trị. Nhờ đó, công tác khám, chữa bệnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị kịp thời bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân.
Trạm Y tế xã Cốc Mỳ là 1 trong 8 trạm y tế xã trên địa bàn huyện Bát Xát có bác sỹ định biên. Hiện nay, trung bình 1 tháng, Trạm Y tế xã Cốc Mỳ tiếp nhận khám và điều trị khoảng 300 bệnh nhân. Bên cạnh đó, trạm quản lý, điều trị 7 bệnh nhân đái tháo đường và 63 bệnh nhân tăng huyết áp.
Thời điểm giao mùa, ông Giàng A Tỏa, thôn Sơn Hà thấy mệt mỏi, ho nhiều nên đã đến Trạm Y tế xã để khám bệnh. “Tôi mắc đái tháo đường nhiều năm, sau khi điều trị ổn định tại Bệnh viện Đa khoa huyện đã xin về Trạm Y tế xã Cốc Mỳ để tiếp tục được điều trị gần nhà. Trạm Y tế xã có cán bộ chuyên môn tốt, tận tình và quan tâm người dân nên tôi rất tin tưởng”- ông Tỏa chia sẻ.
Nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, ngành y tế tỉnh Lào Cai đã và đang tiếp tục củng cố, phát triển, thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế, phương thức hoạt động mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cấp xã. Trong đó, chú trọng bổ sung nhân lực, bố trí hợp lý, phấn đấu tăng số bác sỹ định biên trạm y tế, các trạm không có bác sỹ thì luân phiên tăng cường.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 82 bác sỹ làm việc luân phiên, thành phố Lào Cai và huyện Bảo Yên là 2 địa phương cử bác sỹ làm việc luân phiên nhiều nhất với 14 người; các trạm y tế xã đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật đạt 51,87% (tăng 7% so với năm 2020).
Đảm bảo quyền tiếp cận y tế công bằng cho toàn dân, tỉnh Lào Cai và ngành y tế đã chú trọng đầu tư nguồn lực cho y tế cơ sở, đào tạo nâng cao chất lượng dịch vụ. Với tinh thần “lương y như từ mẫu” đội ngũ cán bộ y tế cơ sở cũng đang nỗ lực đổi mới tinh thần, thái độ, hết lòng vì cộng đồng.
Phương Thảo - Khánh Ly