Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến về rà soát, góp ý đối với các dự thảo nghị định, quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Sáng 8/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến về rà soát, góp ý đối với các dự thảo nghị định, quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tại điểm cầu Hải Dương, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương chủ trì hội nghị. Tham dự dự còn có đại diện một số sở, ban, ngành, các đồng chí thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương.
Ngày 27/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều nội dung mới, bao quát, liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, phương thức giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông...
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hải Dương
Hội nghị thảo luận, lấy ý kiến vào 4 dự thảo gồm dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo nghị định quy định về đào tạo và sát hạch lái xe; dự thảo nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ; dự thảo nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (đơn vị được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự thảo các nghị định trên) lưu ý các văn bản quy phạm pháp luật phải tránh gây rào cản kìm hãm sự phát triển; đáp ứng yêu cầu mở ra không gian phát triển, tạo thuận lợi cho nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân để thực hiện.
Dự thảo các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ phải mở ra hướng giải quyết khó khăn, kiến tạo không gian phát triển mới phù hợp với tình hình thực tế. Chú trọng phân cấp về quản lý Nhà nước từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, việc phân cấp quản lý đường bộ trên nguyên tắc “một việc, một người chịu trách nhiệm.” Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành quy hoạch, chiến lược, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của hệ thống giao thông đường bộ quốc gia, quốc tế phải bảo đảm tính đồng bộ thống nhất; quản lý thống nhất toàn bộ thông tin dữ liệu, thiết kế hệ thống để giám sát, điều hành tại từng tỉnh và cả nước, “địa phương làm, Trung ương quản lý.”
Các địa phương rà soát dự thảo nghị định đã phân cấp đúng chưa, trong quá trình thực hiện có vướng mắc, khó khăn gì để kịp thời báo cáo, trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, kịp thời giải quyết bảo đảm tính đồng đều, thống nhất xuyên suốt, nhất quán trong phân cấp thực hiện giữa các địa phương...
Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã tham gia góp ý về một số vấn đề cần làm rõ trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một số quy định về hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe, diện tích sân tập lái, lưu lượng đối với các cơ sở đào tạo lái xe, điều chỉnh bổ sung về các quy định về quản lý, cấp, cấp lại thu hồi phù hiệu, quy định về phân cấp quản lý quốc lộ…
Các ý kiến tham gia của các đại biểu được tổng hợp, tiếp thu, để sửa đổi bổ sung sớm hoàn thiện, để các nghị định bảo đảm phù hợp, khả thi khi được ban hành, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đáp ứng tốt nhất cho công tác quản lý đối với từng lĩnh vực, tăng cường tính minh bạch, công bằng cho người dân, doanh nghiệp thực hiện.
HN