Chú trọng quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn

Chú trọng quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn
11 giờ trướcBài gốc
Huyện Văn Lâm đang có tốc độ đô thị hóa mạnh và nhiều khu vực nông thôn phát triển hiện đại
Tại tỉnh Hưng Yên, với vai trò là một trong những địa phương trọng điểm nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, việc thực hiện quy hoạch này đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh Hưng Yên đã đưa ra những định hướng cụ thể nhằm phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững. Trong đó, thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ sẽ được nâng cấp hạ tầng, tạo điều kiện để thúc đẩy sự kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực.
Theo phương án quy hoạch đã được phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị tại Hưng Yên không chỉ phát triển về quy mô mà còn chú trọng đến tính bền vững, đặc biệt là trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Mục tiêu là xây dựng các đô thị xanh, sạch, đẹp với không gian xanh chiếm tỉ lệ cao trong đô thị, đảm bảo đủ các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, văn hóa. Đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng kỹ thuật số để hướng đến các đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ cho người dân.
Cụ thể, tỉnh đã quy hoạch các khu đô thị mới tại thành phố Hưng Yên, huyện Văn Lâm, huyện Văn Giang và thị xã Mỹ Hào, đây là những khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Các dự án về nhà ở xã hội, hạ tầng giao thông, cũng như các công trình công cộng như công viên, trung tâm văn hóa đã được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, việc xây dựng khu đô thị sinh thái, đô thị thông minh đang là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển bền vững của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh đang triển khai các khu đô thị mới theo tiêu chuẩn quốc tế, gắn liền với sự phát triển của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các khu du lịch sinh thái. Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 48% và đến năm 2030 tỉ lệ này sẽ tăng lên khoảng 60%.
Trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị, huyện Văn Lâm đã chủ động tập trung vào việc quy hoạch và phát triển hạ tầng, nhất là các dự án giao thông và không gian công cộng, tạo nền tảng cho việc hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV, loại III. Ngoài các công trình giao thông trọng điểm, huyện còn chú trọng đầu tư vào các dịch vụ công cộng như xây dựng hệ thống nước sạch, cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống của người dân. Đồng thời, huyện khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào các lĩnh vực như nhà ở, dịch vụ thương mại và du lịch, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Những nỗ lực này không chỉ giúp huyện Văn Lâm hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị loại III trước năm 2030 mà còn đóng góp vào việc nâng cao hình ảnh của huyện như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ở khu vực nông thôn, tỉnh triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn mới kiểu mẫu với mục tiêu xanh, sạch, đẹp. Điều này không chỉ giúp cải thiện môi trường sống của người dân nông thôn mà còn tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với du lịch nông thôn. Hạ tầng giao thông nông thôn cũng được cải thiện rõ rệt với các tuyến đường liên thôn, liên xã được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương và phát triển kinh tế. Ngoài ra, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của từng khu vực nông thôn, đặc biệt là những giá trị văn hóa làng xã truyền thống. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một môi trường sống vừa văn minh, vừa giàu tính cộng đồng, giúp người dân nông thôn dần tiệm cận với mức sống và điều kiện sống của khu vực đô thị.
Đồng chí Cao Quang Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Quy hoạch hệ thống đô thị và khu vực nông thôn của tỉnh ngày càng phù hợp và hiện đại hơn. Đây là điều kiện quan trọng để cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời bảo đảm sự kết nối hiệu quả với các tỉnh lân cận. Một mặt hướng tới mục tiêu chung của tỉnh là đến năm 2030, tỉnh sẽ có 18 đô thị, đến năm 2037 cơ bản đáp ứng các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Mặt khác, phát triển nông thôn theo các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, phù hợp với đặc thù của tỉnh. Các khu vực trung tâm cụm xã có tỉ lệ lao động phi nông nghiệp cao sẽ hướng đến đô thị hóa, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại và bền vững.
Vi Ngoan
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/chu-trong-quy-hoach-he-thong-do-thi-va-nong-thon-3175770.html