Thi công Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đoạn thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Giải phóng mặt bằng chưa bao giờ là việc dễ dàng, bởi ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền quan tâm thỏa đáng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai giải pháp đồng bộ để bảo đảm hài hòa các lợi ích và tạo được đồng tình, ủng hộ của nhân dân vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là dự án quan trọng cấp quốc gia, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 và Chính phủ hướng dẫn triển khai thực hiện từ năm 2022.
Tuyến đường có tổng chiều dài 112,8 km, đi qua địa bàn Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh; điểm đầu nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài-Hạ Long.
Dự kiến sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027, dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư huyện ủy Mê Linh chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại xã Văn Khê. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử huyện Mê Linh)
Với đoạn tuyến dài nhất, hơn 58 km, Hà Nội phải đảm đương khối lượng giải phóng mặt bằng lớn. Để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; nêu cao quyết tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Đối với các quận, huyện có diện tích cần giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, đồng chí Bí thư quận ủy, huyện ủy được giao nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cấp ủy; Ủy ban Kiểm tra các quận ủy, huyện ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa vi phạm.
Thành ủy tổ chức phong trào thi đua công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4; tăng cường phối hợp công tác dân vận với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
Phương thức tuyên truyền được đổi mới với nội dung phong phú, sinh động đã thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, nhân dân; góp phần tạo hiệu quả cao trong vận động, thuyết phục các hộ dân di dời, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ...
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của hệ thống chính trị, tính đến tháng 3/2025, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (đạt 98,64%).
Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh lắng nghe ý kiến người dân.
Dự án đường vành đai 4 đi qua địa phận thành phố Bắc Ninh, các thị xã Thuận Thành, Quế Võ và huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Để tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát động phong trào thi đua, huy động các ban, sở, ngành, ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quyết liệt vào cuộc; triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động, giải thích quy định, chế độ, chính sách; đặc biệt coi trọng việc trao đổi, đối thoại để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Nhờ đó, việc di chuyển mồ mả (một công việc rất khó) tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện tốt do có sự đồng thuận của người dân.
Cán bộ, đảng viên tham gia phong trào là người địa phương, hiểu rõ phong tục tập quán đã đến từng hộ gia đình tuyên truyền, thuyết phục; vì vậy chính quyền đã tổ chức thực hiện di chuyển hơn 2000 mồ mả, bảo đảm tôn trọng phong tục và truyền thống địa phương, cơ bản hoàn thành việc thu hồi đất khu vực này.
Huyện Văn Giang, Hưng Yên bàn giao đất tái định cư cho hộ dân liên quan Dự án đường Vành đai 4. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên)
Tại Hưng Yên, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách linh hoạt phù hợp với từng trường hợp cụ thể, quan tâm đến lợi ích của người dân. Thí dụ, tỉnh có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với những hộ dân ở Trạm Thực nghiệm Văn Giang… Quan điểm chỉ đạo và giải pháp thiết thực đó đã giúp người dân an tâm, khẩn trương di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 tại các địa phương chưa hoàn thành, đòi hỏi tiếp tục nỗ lực, nhưng những cố gắng của các cấp ủy, chính quyền thời gian qua cho thấy nếu có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, hành động quyết liệt thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân thì việc khó mấy cũng làm được.
Cách làm này rất cần được tiếp tục với phong cách sâu sát thực tiễn, đánh giá kịp thời để có sự điều chỉnh phù hợp. Trước hết và trước tiên vẫn là vai trò của cấp ủy, các tổ chức đảng chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp để các dự án, công trình được triển khai đúng tiến độ; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và những năm tới theo chỉ đạo của Trung ương.
HẢI ANH