Chữ tượng hình nơi mộ phần 4.100 năm tiết lộ về 'thần y Ai Cập'

Chữ tượng hình nơi mộ phần 4.100 năm tiết lộ về 'thần y Ai Cập'
5 giờ trướcBài gốc
Theo Live Science, một nhóm nghiên cứu từ Thụy Sĩ và Pháp đã phát hiện ngôi mộ được xây cất công phu của một nhân vật có quyền lực tại Ai Cập 4.100 năm trước, mang tên "Tetinebefou".
Mặc dù các hiện vật trong ngôi mộ đã bị cướp bóc, các nhà khảo cổ học vẫn có thể nghiên cứu các bức tranh tường và chữ tượng hình tại địa điểm này.
Những cổ tự thú vị đã giúp họ hiểu được Tetinebefou là ai: Một vị bác sĩ của pharaoh, được ca ngợi là "người triệu hồi nữ thần Serqet".
Phòng chôn cất được trang trí công phu của "thần y Ai Cập" - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP
Nữ thần Serqet trong văn hóa Ai Cập cổ đại có liên quan đến bọ cạp và được cho là có thể bảo vệ khỏi vết đốt của chúng.
Vì vậy dòng cổ tự này cho thấy Tetinebefou là một chuyên gia trị nọc độc của động vật, theo nhà Ai Cập học Philippe Collombert từ Đại học Geneva (Thụy Sĩ), trưởng nhóm nghiên cứu.
Vào thời điểm 4.100 năm trước, với điều kiện chữa trị hết sức sơ khai, tài năng này có thể khiến vị bác sĩ được trọng vọng như một thần y.
Các dòng chữ tượng hình khác còn mô tả ông là một chuyên gia hàng đầu về các loại cây thuốc, trong khi dòng chữa khác lại cho biết ông là bác sĩ nha khoa trưởng.
Đó là một phát hiện rất thú vị bởi theo các tác giả, bằng chứng về bác sĩ nha khoa trong nền văn minh Ai Cập cổ đại là cực kỳ hiếm.
Những danh hiệu này cho thấy Tetinebefou đang ở đỉnh cao của nghề nghiệp.
"Ông ấy chắc chắn là bác sĩ chính tại triều đình, vì vậy ông ấy hẳn đã tự mình điều trị cho pharaoh" - TS Collombert nói.
Lăng mộ của bác sĩ Tetinebefou được trang trí bằng những bức tranh tường đầy màu sắc mô tả nhiều loại vật chứa, chẳng hạn như lọ và thứ trông giống như bình hoa. Chúng cũng hiển thị những hình ảnh trừu tượng đầy màu sắc và hình dạng hình học.
Không rõ bác sĩ Tetinebefou đã phục vụ những pharaoh nào. Họ có thể bao gồm Pepi II (trị vì khoảng năm 2246 đến 2152 trước Công nguyên) hoặc một vài pharaoh trị vì muộn hơn một chút.
Bất kể như thế nào, vị thần y Ai Cập cổ đại này rõ ràng có vị thế rất lớn vào thời kỳ đó nhờ vào tài năng của ông, dựa vào sự xa hoa của mộ phần, mặc dù nó đã bị tàn phá nhiều bởi những kẻ trộm mộ.
Rất tiếc, những kẻ trộm mộ có thể đã lấy đi hài cốt của vị bác sĩ trứ danh. Cả căn phòng chôn cất hầu như chỉ còn những bức phù điêu trên tường. Mặc dù vậy, những bức tranh và những dòng cổ tự này tự chúng đã là kho báu.
Theo Người lao động
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chu-tuong-hinh-noi-mo-phan-4-100-nam-tiet-lo-ve-than-y-ai-cap/20250121080122138