Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo Bộ Y tế, sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã dẫn đến tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở trẻ em. Ảnh minh họa
Mục tiêu của Chính phủ: Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng
Những năm qua về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi, giới tính cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng tăng và tăng rất nhanh chóng. Đặc biệt, đã có xu hướng gia tăng sử dụng sản phẩm này gia tăng ở trẻ em vì sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hấp dẫn và thu hút giới trẻ, như: hướng đến phong cách sống thời thượng; kiểu dáng, hương vị đa dạng, hấp dẫn (hình gấu, hộp sữa, đồng hồ đeo tay..).
Cùng với đó, thuốc lá điện tử có giá rất rẻ, vài chục nghìn cũng có thể mua được, các sản phẩm này cũng rất dễ tìm kiếm, việc mua bán dễ dàng diễn ra nhanh chóng, thuận tiện từ các trang mạng xã hội hay các địa điểm bán lẻ, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học.
Các thông tin quảng cáo, tiếp thị của các công ty thuốc lá gây hiểu nhầm cho người sử dụng như có công dụng cai nghiện, giảm phơi nhiễm, giảm hại… thậm chí sử dụng các thần tượng của giới trẻ để quảng bá các sản phẩm này.
Theo Bộ Y tế, đây là điều cực kỳ đáng báo động trong giới trẻ vì các sản phẩm này ngoài tính chất độc hại, gây bệnh, còn gây nghiện nicotin và nghiện ma túy do tình trạng "núp bóng" thuốc lá điện tử trộn ma túy, ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai của đất nước.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tại Nghị quyết có nội dung: "Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người ".
Tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030 đều đưa ra mục tiêu: "Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng".
Cũng theo Bộ Y tế, hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt tại Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng và Điều 90, 91 Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi "chứa chấp" và "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Vì vậy, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi tái phạm.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định trên.
Minh Vũ