Chưa có cơ chế tài chính hấp dẫn để chuyển đổi xe buýt, taxi sang xe điện

Chưa có cơ chế tài chính hấp dẫn để chuyển đổi xe buýt, taxi sang xe điện
một ngày trướcBài gốc
Một tuyến xe buýt điện của VinBus đi vào khu vực Vành đai 1, thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trước việc Hà Nội cấm xe máy xăng từ ngày 1/7/2026, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng cũng đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi phương tiện. Tuy nhiên, thành phố cũng cần sớm có các cơ chế, chính sách tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp mua sắm phương tiện điện.
Chi phí đầu tư cao hơn so xe xăng, dầu
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính đến tháng 7/2025, thành phố Hà Nội đã đưa vào hoạt động 16 tuyến buýt điện với tổng cộng 248 xe, chiếm 12,86% tổng số phương tiện xe buýt trợ giá, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2025.
Hiện có 65 đơn vị đang hoạt động với tổng số 18.612 xe taxi. Theo Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2030 các xe taxi đầu tư mới thực hiện chuyển sang loại phương tiện xanh. Đến hết tháng 6/2025, đã có 8.831 xe taxi điện, chiếm 47,4% số phương tiện taxi đang hoạt động. Hiện có 23 đơn vị taxi đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, trong đó có kế hoạch chuyển đổi 100% xe điện thay thế cho các xe ngừng hoạt động đến hết năm 2030.
Với dịch vụ xe đạp công cộng TNGo, đến ngày 8/7/2025, hệ thống có tổng cộng 118 điểm trạm đặt trong khu vực Vành đai 3. Tổng số phương tiện hiện có là 1.100 xe, trong đó có 1.000 xe đạp cơ và 100 xe đạp điện trợ lực. Dịch vụ hoạt động liên tục 24/7.
Trong giai đoạn thí điểm, TNGo đã góp phần xây dựng hình ảnh thành phố xanh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, kết nối giao thông công cộng, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, tuy nhiên việc triển khai xe đạp điện chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng do tỷ lệ hư hỏng cao, pin yếu, chi phí bảo trì lớn, gây bất tiện cho người dùng.
Đánh giá thời gian qua công tác chuyển đổi xanh đã có những kết quả rất đáng khích lệ, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận, chi phí đầu tư ban đầu đối với phương tiện sử dụng điện, năng lượng sạch (bao gồm xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe vận tải chuyên dùng…) đều cao hơn đáng kể so với phương tiện sử dụng nhiên liệu truyền thống. Ngoài chi phí phương tiện, các doanh nghiệp còn phải đầu tư bổ sung hệ thống sạc, bãi đỗ chuyên dụng, thiết bị bảo trì phù hợp với công nghệ mới, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng mạnh, gây áp lực lớn về tài chính.
Chi phí đầu tư xe buýt điện thường cao hơn so với xe buýt chạy diesel. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Riêng đối với xe buýt, do thời gian sạc và cự ly hoạt động còn hạn chế, số lượng phương tiện cần đầu tư để duy trì tần suất và năng lực vận chuyển tương đương buýt diesel hiện tại phải tăng thêm từ 40-50%. Tương tự, đối với taxi điện và xe hợp đồng sử dụng điện, việc đảm bảo hạ tầng sạc và chi phí thay thế pin sau thời gian sử dụng cũng là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mạnh dạn chuyển đổi.
“Đến thời điểm hiện tại, chưa có cơ chế tài chính cụ thể, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp vận tải đầu tư chuyển đổi phương tiện. Việc thiếu các chính sách hỗ trợ như ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện, hỗ trợ đầu tư hạ tầng sạc, hoặc trợ giá trực tiếp cho phương tiện xanh khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là các đơn vị vừa và nhỏ,” ông Long cho hay.
Đã chủ động đầu tư, đưa 4 tuyến buýt điện vào hoạt động trong giai đoạn đầu năm 2025, ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng chỉ rõ những thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo trong quý 2/2025 phải ban hành bộ đơn giá, định mức cho xe buýt điện cỡ vừa và nhỏ để các doanh nghiệp đấu thầu, mua xe nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thành.
“Nếu không có cơ chế hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi vay thì doanh nghiệp sẽ khó thực hiện. Ước tính, nguồn vốn vay đầu tư cho hơn 1.000 phương tiện của Transerco trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 vượt quá 3 lần so với ‘sức khỏe’ tài chính của doanh nghiệp. Do đó, Transerco mong muốn thành phố sớm ban hành Nghị quyết về chính sách chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch,” ông Nam kiến nghị.
Có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi
Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% vào năm 2030, Sở Xây dựng Hà Nội rà soát, cập nhật và ban hành Đề án chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, phù hợp với thực tiễn của từng loại hình vận tải (xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe chuyên dùng…); kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các cơ chế hỗ trợ cụ thể như ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế, trợ giá trực tiếp cho phương tiện điện, đặc biệt đối với doanh nghiệp vận tải công cộng.
Hà Nội cũng sẽ xây dựng phương án tổ chức các tuyến mini buýt hoạt động trên các tuyến phố nhỏ, ngõ nhỏ trong khu vực Vành đai 1 để gom và kết nối, trung chuyển hành khách phục vụ Đề án xây dựng vùng phát thải thấp, dự kiến báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trong quý 3/2025.
Trong năm nay, thành phố mở mới 6 tuyến buýt kết nối với các ga của tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội và Cát Linh-Hà Đông sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh trung bình và nhỏ.
Hà Nội sẽ đưa thêm nhiều tuyến xe buýt điện đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Giai đoạn 2025-2026, Hà Nội hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh; mở rộng mạng lưới xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; Triển khai xây dựng các trạm sạc xe buýt điện, năng lượng xanh (bao gồm cả trạm sạc nhanh); Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền đến người dân hiểu và đồng thuận. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh dự kiến năm 2026 đạt 20-23%.
Giai đoạn 2027-2030, thành phố Hà Nội triển khai công tác chuyển đổi theo lộ trình và hoàn thành công tác chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh chậm nhất vào năm 2030; mở rộng mạng lưới trạm sạc đảm bảo hoạt động hiệu quả; mở rộng mạng lưới xe buýt điện để tăng tính kết nối, tăng năng lực cung ứng.
Hà Nội đưa ra hạn mức hỗ trợ là 100% giá trị hợp đồng vay trong toàn bộ thời gian vay vốn (tối đa không quá 10 năm) theo dự án đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đầu tư mua sắm xe buýt điện, năng lượng xanh và hệ thống hạ tầng (trạm biến áp, trạm sạc, trạm nạp khí) phục vụ xe buýt điện, năng lượng xanh theo từng dự án của doanh nghiệp./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/chua-co-co-che-tai-chinh-hap-dan-de-chuyen-doi-xe-buyt-taxi-sang-xe-dien-post1051461.vnp