Quang cảnh phiên thảo luận sáng 09/5. Ảnh: ST
Sáng 09/5, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB (không thu thuế với máy điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU).
Về việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu rõ: Đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế TTĐB.
Ngoài ra, vì mặt hàng này mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp (DN) có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng đường thấp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo xin được chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%...
Không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, nhiều ĐBQH đề nghị, không quy định điều hòa nhiệt độ là mặt hàng phải chịu thuế TTĐB; đồng thời, việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB là chưa hợp lý, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: ST
Theo đó, đối với điều hòa nhiệt độ, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, nâng mặt hàng điều hòa từ trên 18.000 BTU mới phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay, ở các đô thị, đối với các khu chung cư, căn hộ chung cư thông thường có từ một đến hai phòng và một phòng khách.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: ST
Qua tham khảo một số kỹ sư trong lĩnh vực điện lạnh, đại biểu cho biết, nếu lắp một điều hòa 24.000 BTU cho cả 3 phòng này thì vừa tiết kiệm điện và vừa tiết kiệm chi phí của người dân. “Đây là thực tế hiện nay đang rất phổ biến ở các khu đô thị, đặc biệt là đối với các chung cư. Do đó, đề nghị áp dụng thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ trên 24.000 BTU đến 90.000 BTU, vì từ trên 90.000 BTU là điều hòa công nghiệp” - đại biểu đề xuất.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, nếu áp dụng thuế TTĐB đối với điều hòa sẽ gây khó khăn cho các DN sản xuất trong nước và khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, làm tăng chi phí cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng điều hòa công suất lớn, trong khi việc sử dụng điều hòa công suất lớn có thể còn hiệu quả hơn đối với sử dụng nhiều điều hòa công suất nhỏ kể cả về mặt kinh tế cũng như là thẩm mỹ. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét, cân nhắc không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa.
Ý kiến của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng, Dự thảo áp thuế TTĐB 10% với điều hòa có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU là không hợp lý. Đại biểu cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích ngân sách nhà nước, có thể giảm một phần thu từ thuế điều hòa nhưng sẽ được bù đắp bằng lợi ích xã hội dài hạn. Người dân, đặc biệt là công nhân nghèo, những người lao động ở các khu công nghiệp giảm được chi phí sinh hoạt, tiếp cận được với môi trường sống tốt hơn; DN bán được nhiều sản phẩm hơn, kích thích sản xuất, từ đó có thể thu được nhiều thuế VAT, thuế thu nhập DN có thể tăng cho ngân sách. Chính sách thuế hợp lý với điều hòa vừa thể hiện tinh thần nhân văn vừa phù hợp với xu hướng sử dụng thiết bị tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH Hà Nam) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: ST
Do vậy, đại biểu đề nghị bỏ điều hòa dân dụng khỏi diện chịu thuế TTĐB. “Chính sách này giảm cho người tiêu dùng, giúp DN nội địa cạnh tranh, Nhà nước dùng biện pháp khác để tiết kiệm, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên” - đại biểu Trần Văn Khải nêu quan điểm.
Đề nghị chưa đánh thuế với nước uống có đường
Về việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB, ĐBQH Trần Văn Khải cho rằng, quy định này chưa hợp lý vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn. Khái niệm “nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam” chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên, như: Nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có gas.
“Thực tế, 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm DN chế biến lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị coi là nước giải khát chịu thuế hay không” - đại biểu Trần Văn Khải nói. Theo đại biểu, việc áp cùng mức thuế 10% như nước ngọt có gas là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Từ phân tích đó, ĐBQH Trần Văn Khải đề nghị sửa Điều 2 khoản 1 điểm 1 và Điều 8, đề nghị lùi thời điểm áp thuế 1 năm, áp 8% năm đầu và 10% các năm tiếp theo. Giải pháp này giúp cho DN điều chỉnh sản xuất, người dân thay đổi dần thói quen, Nhà nước đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và hài hòa lợi ích của các bên.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: ST
Cũng nêu quan điểm, thu thuế với nước uống có đường cũng sẽ gây khó khăn cho ngành hàng này, ảnh hưởng đến nông dân, người lao động, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, lý do mặt hàng này dẫn đến béo phì của trẻ em không hoàn toàn thuyết phục, việc này là do nhiều nguyên nhân, chứ không riêng nước uống, nếu do nước uống thì tại sao không đánh thuế bánh kẹo, sữa… Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc chưa đánh thuế với nước uống có đường.
Đồng quan điểm, nhiều ĐBQH cũng lý giải, nước giải khát có đường chưa chắc gây béo phì, vì nhiều loại khác như: Trà sữa, bánh kẹo... cũng có thể là nguyên nhân. Do đó, phải tính toán kỹ, hợp lý./.
Đề nghị không tiếp tục quy định mặt hàng xăng là mặt hàng chịu thuế TTĐB để đúng với bản chất của thuế TTĐB là thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội. Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, mặt khác, xăng cũng đã thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, lý giải của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc đánh thuế TTĐB đối với xăng để bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục. Tôi đề nghị trong trường hợp chúng ta thấy rằng cần phải tăng thuế bảo vệ môi trường để bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng thì chúng ta tăng giá trị tuyệt đối đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và không đưa mặt hàng này là mặt hàng mà chúng ta đánh thuế TTĐB để đúng với bản chất của nó.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)
LÊ HÒA