Lễ hội Chùa Hương diễn ra trong 03 tháng, từ ngày 03/02/2025 đến hết ngày 01/5/2024 (Tức từ ngày mồng 06 tháng Giêng đến hết ngày 04 tháng 4 năm Ất Tỵ).
Lễ khai hội vào ngày 03/02/2025 (Tức ngày mồng 06 tháng Giêng).
Chùa Hương là địa điểm du lịch tâm linh có lịch sử lâu đời tại Hà Nội, là điểm đến đầu năm cho nhiều người dân và du khách tham quan. Ảnh minh họa
Lễ hội Chùa Hương năm 2025: Thực hiện việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò cho du khách về tham quan lễ phật bằng vé điện tử
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, sở, ngành tổ chức Đoàn kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025.
Báo cáo với đoàn kiểm tra về đổi mới trong công tác tổ chức lễ hội, ông Bùi Văn Triều - Trưởng Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, hiện khâu thông tin tuyên truyền, quảng bá về Lễ hội Chùa Hương được tập trung tập trung triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, tập trung chỉnh trang cảnh quan, không gian lắp đặt panô, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường Tỉnh lộ 419 (từ Đốc Tín đi Hương Sơn) và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến để tạo cảnh quan cho du khách về tham quan thưởng ngoạn lễ hội.
Lễ hội Chùa Hương năm 2025 có các chương trình như: Hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương gồm: Rối cạn Tế Tiêu - Thị trấn Đại Nghĩa, Cồng chiêng người Mường - xã An Phú, Hoạt động hát Chèo tại các câu lạc bộ trên địa bàn huyện…
Để thuận tiện cho người dân và du khách đến với Lễ hội Chùa Hương, Ban Tổ chức đã thực hiện việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò cho du khách về tham quan lễ phật bằng vé điện tử. Việc tích hợp vé đảm bảo thuận tiện cho du khách, giảm thiểu các đầu mối phát hành vé, kiểm soát vé.
Giá vé thu phí thắng cảnh và xuồng đò, vé cáp treo, vé vận chuyển khách bằng xe điện… cũng đã được Ban Tổ chức niêm yết, công khai đầy đủ, đúng quy định.
Ban Tổ chức Lễ hội cũng đã tổ chức việc xuồng đò được sơn đồng màu theo quy định, có đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí... Mỗi xã viên lái đò có mã QR để Hợp tác xã quản lý, tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách.
Trong thời gian diễn ra Lễ hội Chùa Hương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp gây phản cảm và việc sử dụng loa chào mời gây ồn ào trong khu vực Lễ hội, đảm bảo công tác an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách; thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực Lễ hội đưa đi xử lý tại các khu tập trung của Thành phố.
Bố trí các điểm sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người như cổng động Hương Tích, ga Cáp treo, sân Thiên Trù đảm bảo an toàn cho du khách.
Cùng với công tác quảng bá hình ảnh Chùa Hương và tuyên truyền khuyến cáo tới du khách về tham quan thắng cảnh, Ban Tổ chức đã chủ động trong việc tuyên truyền chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sự, không chơi bài ăn tiền trên thuyền, không vứt rác thải bừa bãi...
Chùa Hương - còn gọi là Hương Sơn, là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, thờ thần, với trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích là điểm đến được rất nhiều du khách thập phương lui tới chiêm bái. Ảnh minh họa
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị, huyện Mỹ Đức nghiêm túc thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố; Chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội đảm bảo trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, phù hợp với thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; Xây dựng chương trình, kịch bản tổ chức lễ hội cần phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.
Đề nghị Ban Tổ chức Lễ hội cần tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội bằng nhiều hình thức. Lưu ý trang trí khuôn viên cây xanh, treo cờ Tổ quốc đúng quy định; thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử nơi thờ tự...
Các thành viên trong Đoàn kiểm tra cũng lưu ý Ban Tổ chức cần chỉ đạo các đơn vị chức năng, cấp chính quyền cơ sở xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn sông nước. Đặc biệt, cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, gìn giữ cảnh quan di tích "sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn"; chú ý âm lượng loa đài, thông tin về xuồng đò; có phương án đón tiếp khách; phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, xử lý những vấn đề phát sinh; chủ động kiểm tra hoạt động quảng cáo, không để xảy ra việc bày bán các sản phẩm mang tính kích động, bạo lực, ấn phẩm mê tín, dị đoan…
Minh Vũ