Hà Nội hiện có khoảng trên 6,1 triệu xe máy. Ảnh: Đức Quang.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa thông tin về lộ trình thực hiện, các giải pháp chuẩn bị nhằm tránh ùn tắc tại các cơ sở kiểm định, khi Thông tư số 47/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định về trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; cũng như trình tự, thủ tục chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cải tạo và kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua, quy định: Xe mô tô, xe gắn máy chỉ kiểm định về khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định về bảo vệ môi trường và được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định: Phương tiện giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật này cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Như vậy, việc kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới đường bộ nói chung và của xe mô tô, xe gắn máy nói riêng, thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Thời gian thực hiện kiểm định và áp dụng mức quy chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không bắt buộc thực hiện ngay theo hiệu lực của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (ngày 1/1/2025).
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung giá dịch vụ kiểm định khí thải vào danh mục giá dịch vụ đăng kiểm, để có căn cứ ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành giá dịch vụ kiểm định khí thải xe máy. Với cơ sở kiểm định khí thải, ngoài việc phải có thiết bị kiểm tra khí thải và máy tính có kết nối mạng, diện tích tối thiểu quy định cho khu vực kiểm định khí thải là 15m2/thiết bị và có thể dùng chung với hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa xe.
Đến thời điểm hiện tại, cả nước có gần 3.000 cơ sở có thể thực hiện kiểm định khí thải xe máy, từ đó hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc tại các cơ sở kiểm định khí thải. Cùng với đó là việc tiết kiệm được chi phí đầu tư cơ sở vật chất giúp giảm giá dịch vụ kiểm định khí thải, giảm chi phí cho việc thực hiện kiểm định khí thải phương tiện.
Thống kê cho thấy, cả nước có hơn 73 triệu xe máy, chiếm khoảng 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, trong đó tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60%. Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính.
Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TPHCM chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.
Theo khảo sát, một xe máy di chuyển quãng đường trung bình 16,7km/ngày, tương đương với 6.095km/năm, tiêu thụ nhiên liệu trung bình 0,0236 lít/km. Nếu thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo, mức tiêu thụ nhiên liệu bình quân của mỗi xe tiết kiệm được 10,07 lít/năm. Nếu tính trên toàn TP Hà Nội với hơn 6,1 triệu xe máy, lượng nhiên liệu hàng năm tiết kiệm được là gần 62 triệu lít và tổng chi phí nhiên liệu tiết kiệm ước tính hơn 1,8 nghìn tỷ đồng. Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy còn giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC phát thải, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
V.Khánh