Chùa Mạch Tràng

Chùa Mạch Tràng
4 giờ trướcBài gốc
Chùa Mạch Tràng hiện tọa lạc ở thôn Mạch Tràng, thuộc quần thể Khu Di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Chùa Mạch Tràng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-Ttg ngày 27/09/2012. Chùa Mạch Tràng có tên chữ là Linh Quang tự nghĩa là rạng rỡ, linh thiêng, tuy nhiên cũng như nhiều nơi khác, chùa được gọi theo địa danh của thôn làng nên có tên là chùa Mạch Tràng.
Mạch Tràng vốn là thôn nằm sát phía nam bên ngoài Cổ Loa, trên một khu đất cao ráo, cạnh sông Hoàng: khu vực này là nơi có những phát hiện về khảo cổ học. Về xuất xứ địa danh, có thuyết nói rằng khi An Dương Vương đóng đô ở Cổ Loa đã đem giống lúa mạch về đây, dạy dân trồng cấy và lập kho tích trữ lương thực; đến thế kỷ X khi vua Ngô Quyền lấy Cổ Loa làm trung tâm chính trị, quân sự của quốc gia, ông đã cho mở trường học tại thôn này nên từ đó nơi đây có tên là Mạch Tràng.
Không rõ thời điểm xây dựng cụ thể, chỉ biết rằng chùa Mạch Tràng xuất hiện vào thời Hậu Lê; trải qua vài thế kỷ, chùa đã được trùng tu nhiều lần, nhất là dưới triều Nguyễn. Chùa quay hướng Nam, có khuôn viên rộng, kết cấu theo kiểu "nội Công ngoại Quốc" bao gồm các hạng mục: Tam quan, Tam Bảo, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Mẫu, nhà thờ Tố, giải vũ, hành lang... và nhiều hệ thông khác như tháp sư, nhà tăng, nhà khách.
Chùa mạch Tràng (Đông Anh - Hà Nội). Ảnh: nguoihanoi.vn
Tam quan là kiến trúc 3 gian có gác chuông, mái chồng diềm 2 tầng, tường hồi bít đốc, tay ngai. Công trình có bốn vì kèo gỗ với gian giữa rộng hơn 2 gian bên, được thiết kế theo kiểu "Thượng chồng rường - xà, trung chồng rường - giả thủ" ngồi lên xà cột, vì hạ có bẩy hiên cả trước và sau. Qua Tam Quan là một lối đi lát gạch, hai bên trồng nhiều cây và có nhiều tháp mộ, tới sân gạch rồi tới chùa chính được kết cấu theo kiểu chữ Đinh, Tiền Đường 5 gian và Thượng Điện xây thông với nhau. Trên các cầu kiện gỗ chính của Tiền Đường có chạm khắc, trang trí vân mây, hoa cúc hoặc hình cánh sen..., Đáng chú ý là hai bức cốn ở bộ vì giữa có các chạm nổi "Tứ linh quần tự", long chầu kết hợp với Tứ Quý ở thân kẻ phía dưới tạo nên một tác phẩm khá đẹp.
Phía trước Tiền Đường có hàng hiên rộng chạy dài suốt 5 gian 2 dĩ, hồi xây 2 cột trụ vuông được trang trí bằng các tứ linh, tứ quý. Tại đây có hai tòà Giải vũ dẫn tới nhà Tổ, nhà Mẫu ở phía sau. Khu nhà thờ Tổ và Mẫu gồm có 5 gian, các bộ vì ở đây đều có dạng thức "Chồng cốn, kẻ chuyền, tiền kẻ, hậu bẩy" và được xây kiểu "bít đốc, chừa hiên"
Nhìn tổng thể, chùa Mạch Tràng mang nhiều đặc điểm của kiến trúc cuối thế kỷ XVIII đầu XIX. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị như gần 40 pho tượng tròn cổ, được tạo tác bằng chất liệu thổ mộc, chủ yếu được thờ ở Thượng Điện như tượng Tam thế, Di đà Tam Tôn, Tòa Cửu Long...thể hiện nghệ thuật tạo tác khá cao với niên đại thể kỷ XVIII, XIX.
Ngoài hệ thống tượng thờ, những hiện vật quý của chùa cần phải kể đến hệ thống hoành phi, câu đối, y môn, cửa võng được chạm trổ tinh vi, hương án, 12 bia đá, chuông đồng, đồ thờ (như đỉnh hương mâm bồng, lọ hoa, đài lễ, cây nến...).
Chùa Mạch Tràng là một công trình kiến trúc tôn giáo, ngoài những giá trị văn hóa lịch sử được chung đúc từ lâu đời, chùa cùng với đền và đình ở cạnh nhau tạo thành một cụm di tích văn hóa đặc sắc của địa phương, của khu vực Cổ Loa và của Hà Nội. Đây cũng là trung tâm văn hóa của làng từ rất lâu đời, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân quanh vùng.
Nguồn: Sách Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Việt - NXB Thông tin và Truyền thông
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-mach-trang.html