Chùa Tam Chúc địa danh kết nối tâm linh

Chùa Tam Chúc địa danh kết nối tâm linh
4 giờ trướcBài gốc
Tác giả: Ngọc Thắng
Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam – một vùng đất cổ được mệnh danh là “địa linh Phật hiện”. Theo truyền thuyết dân gian, nơi đây từng có ngôi cổ tự mang tên Tam Chúc từ thời nhà Đinh, cùng thời với chùa Địch Lộng, chùa Bà Đanh, gắn liền với hành trình truyền bá phật pháp ở vùng trung du Bắc Bộ.
Tên gọi “Tam Chúc” bắt nguồn từ truyền thuyết về bảy ngọn núi đá nổi giữa lòng hồ Lục Nhạc, trong đó sáu ngọn vẫn còn và một ngọn đã mất, biểu trưng cho “Thất Tinh” – bảy ngôi sao chiếu sáng nơi đất Phật.
Trước mặt là hồ nước mênh mang, sau lưng là núi Thất Tinh hùng vĩ, chùa Tam Chúc nằm trong thế “tọa sơn hướng thủy”, mang đầy đủ những yếu tố của phong thủy và thiền học phương Đông.
Trải qua bao biến thiên lịch sử, chùa cổ Tam Chúc dần mai một, chỉ còn lại dấu tích và truyền thuyết. Đến đầu thế kỷ XXI, với tâm nguyện phục dựng Trung tâm Phật giáo quy mô quốc tế, chùa Tam Chúc được tái thiết, khởi công từ năm 2015 và dần trở thành điểm nhấn tâm linh quan trọng của Phật giáo Việt Nam đương đại.
Cảnh chùa Tam Chúc. Ảnh sưu tầm.
Quần thể chùa Tam Chúc hiện nay có diện tích gần 5.000 ha. Toàn bộ không gian được quy hoạch theo trục kéo dài từ cổng Tam Quan, vườn cột kinh, điện Quán Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế cho đến chùa Ngọc – đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc đá.
+ Cổng Tam Quan 3 tầng mái cong, cao 28,8m, 3 mặt sàn rộng 3.558m2. Nhà thờ tổ 2 tầng tháp mái cong cao 25m; nhà Tăng Ni 5 tầng cao 30,8m; đền Thánh Cao Sơn có diện tích 1,75 ha phía hồ Tay Ngai.
+ Đình làng Tam Chúc được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ trên diện tích 3.700m2... Trung tâm hội nghị quốc tế nổi trên mặt hồ cao 31m, là nơi tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak 2019.
+ Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468m, với 299 bậc lên, được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác.
+ Điện Tam Thế ở độ cao 45m trên trục thần đạo, 3 tầng mái cong mang kiến trúc đình chùa Việt, cao tới 39m. Điện Pháp Chủ 2 tầng, mái cong, cao 31m. Điện Quan Âm cao 30,5m, mặt sàn rộng 3.000m2- Các công trình của chùa Tam Chúc là sự kết hợp hài hòa, đồng điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ nhân Việt Nam và nghệ nhân nước ngoài, giữa thợ thủ công lành nghề của các đạo giáo.
Ngoài ra, chùa Tam Chúc còn được tạc 1.200 bức tượng bằng dung nham núi lửa miêu tả các sự tích trong cuộc đời đức Phật.
Xá lợi Phật được tôn trí tại điện Tam Thế chùa Tam Chúc. Ảnh sưu tầm.
Trong mùa Phật đản 2025, Tam Chúc trở thành một trong ba ngôi chùa trọng điểm được tôn trí Xá lợi mảnh xương của đức Phật – di vật linh thiêng còn lưu giữ từ kim thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Được cung nghinh từ Ấn Độ sang Việt Nam, Xá lợi Phật là kết tinh của sự tu tập tinh tấn, chứng ngộ, từ bi và bất diệt – biểu tượng tối thượng cho lòng tin và sự hành trì.
Việc cung thỉnh, tôn trí Xá lợi tại chùa Tam Chúc không chỉ mang tính nghi lễ mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị tâm linh giữa hai nền Phật giáo lớn. Dưới sự chứng minh của chư tôn đức tăng ni và đồng thuận của chính phủ hai nước, Xá lợi Phật đã được an vị trong không gian trang nghiêm, để đại chúng có thể đảnh lễ, chiêm bái và quán chiếu thân – tâm.
Giữa khung cảnh hùng vĩ mà thanh thoát, sự hiện diện của Xá lợi Phật lại càng khiến chốn già lam thêm phần thiêng liêng. Những buổi thiền hành nhẹ nhàng quanh vườn cột kinh, những phút tĩnh tâm trước pho tượng đức Phật từ bi… tất cả như nhắc người ta quay về với hơi thở, với chính niệm và với con đường tỉnh thức.
Xá lợi Phật được tôn trí tại điện Tam Thế chùa Tam Chúc. Ảnh sưu tầm
Từ thành phố Hồ Chí Minh cho tới Hà Nội, rồi tới Hà Nam và những địa danh thiêng liêng khác trong hành trình ghi dấu bản đồ Phật giáo Việt Nam, ánh sáng của Xá lợi Phật không chỉ soi rọi lòng người, mà còn như một sợi chỉ vàng kết nối hành trình tưởng kính đức Phật.
Trong hành trình ấy, Tam Chúc không đơn thuần là điểm đến, mà là cột mốc đánh dấu sự phục hưng mạnh mẽ của Phật giáo Việt Nam, không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà trên bản đồ văn hóa, tâm linh toàn cầu.
Chùa Tam Chúc hôm nay là nơi Phật giáo hiện hữu giữa đời, nơi lòng người tìm về nương tựa. Trong sự giao thoa giữa cổ xưa và hiện đại, giữa truyền thống và hội nhập, Tam Chúc trở thành biểu tượng sống động của không gian văn hóa Phật giáo Việt Nam đang bước đi bằng tỉnh thức nội tâm và kết nối toàn cầu.
Tác giả: Ngọc Thắng
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-tam-chuc-dia-danh-ket-noi-tam-linh.html