Cụ thể, theo NQNSHTP số 59/NQ-DDNSHTP ngày 29/04/2025, trái chủ chấp thuận cho Hải Phát lùi ngày đáo hạn trái phiếu mã HPXH2123008 từ ngày 28/4/2025 thành 30/6/2025.
Lãi suất áp dụng cho thời gian gia hạn nói trên là 13,5%. Dư nợ trái phiếu trong thời gian gia hạn này là 60 tỷ đồng.
Hải Phát lùi ngày đáo hạn 60 tỷ đồng trái phiếu tới cuối quý II/2025.
Trái phiếu mã HPXH2123008 được phát hành ngày 28/10/2021, hoàn tất phát hành ngày 12/11/2021, giá trị phát hành 250 tỷ đồng. Ban đầu trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, tức đáo hạn ngày 28/10/2023.
Đến tháng 7/2024, lô trái phiếu được kéo dài kỳ hạn từ 24 tháng thành 36 tháng, ngày đáo hạn mới là 28/10/2024.
Đến tháng 10/2024, lô trái phiếu tiếp tục được kéo dài kỳ hạn thành từ 24 tháng thành 42 tháng, tức tăng thêm 1,5 năm, ngày đáo hạn mới là 28/4/2025.
Tuy nhiên, sau 2 lần kéo dài kỳ hạn, Hải Phát vẫn chưa thanh toán hết dư nợ nên tiếp tục gia hạn trái phiếu này tới ngày 30/6/2025.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra ngày 26/4, ban lãnh đạo Hải Phát cho biết sẽ xử lý dứt điểm các khoản nợ trái phiếu và cam kết gia tăng sở hữu cổ phần, nhằm củng cố năng lực nội bộ và đồng hành với cổ đông trong quá trình tái cơ cấu và phục hồi hoạt động kinh doanh.
Về kết quả kinh doanh, tính chung cả năm 2024, Hải Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.615 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 64,8 tỷ đồng, 'sụt' 52% so với năm 2023.
Với kết quả đạt được, công ty mới chỉ hoàn thành khoảng 62% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tại thời điểm 31/12/2024, Hải Phát chỉ còn 8,67 tỷ đồng tiền mặt nhưng tổng nợ vay lên tới 2.040,59 tỷ đồng, bằng 56,1% tổng vốn chủ sở hữu.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 12/5, cổ phiếu HPX dừng ở mức 4.120 đồng/cp. Đến nay, cổ phiếu HPX chưa từng quay lại mốc 10.000 đồng sau cú rơi thẳng đứng giai đoạn 2021-2022. Trước đó, thị giá HPX từng lên tới 40.000 đồng/cp.
Châu Anh