Trong năm 2024, ngành di sản văn hóa thành phố hoàn thành nhiều nhiệm vụ nổi bật. Ở lĩnh vực bảo tàng, các bảo tàng công lập đã sưu tầm 2.731 hiện vật, hình ảnh và tài liệu khoa học, trong đó có 1.451 hiện vật gốc.
UBND TPHCM đã phê duyệt mua 268 hiện vật, với hơn 7,1 tỷ đồng cho 4 bảo tàng (Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Lịch sử TPHCM và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM).
Để có nguồn trợ lực thiết thực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố, ngày 19-9-2024, UBND TPHCM có công văn về việc tham gia Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành di sản văn hóa năm 2025
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy tham gia quỹ với tư cách Trưởng Ban sáng lập.
Thời gian tới, Sở VH-TT TPHCM sẽ đăng ký lịch họp với Trưởng Ban sáng lập quỹ, hoàn thiện hồ sơ trình UBND TPHCM xem xét ban hành Quyết định thành lập Ban sáng lập quỹ.
Tại hội nghị, liên quan một số di sản đang dần mất đi, trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống của cụ Vương Hồng Sển (được xếp hạng theo Quyết định số 140/2003/QĐ-UB ngày 5-8-2003) và Di tích Khảo cổ học cấp quốc gia Lò Gốm Hưng Lợi, quận 8.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống của cụ Vương Hồng Sển không còn giữ được hiện trạng như lúc xếp hạng di tích. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG
Về nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển (số 11 Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh), ông Phạm Văn Hoa (Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin, quận Bình Thạnh) cho biết: “Ngày 23-8-2023, UBND quận Bình Thạnh có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Sau đó, UBND phường 14 thực hiện các bước cưỡng chế theo quy định, nhưng thực tế khi thực hiện còn một số vấn đề pháp lý, vướng mắc khó khăn, nên chậm nhất vào tháng 3-2025 mới có thể cưỡng chế”.
Theo ông Hoa, chi phí để tiến hành cưỡng chế (không tính nhân công) có thể lên hơn 285 triệu đồng. Hiện tại, các hộ dân sống trong nhà cổ cũng có mâu thuẫn dân sự nên quận từng bước vận động chấp hành quyết định cưỡng chế.
Ngày 14-10-2024, TAND TPHCM ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu tài sản giữa bà Vương Hồng Liên Hương và UBND TPHCM, do xét thấy nguyên đơn là bà Hương (cháu nội học giả Vương Hồng Sển) có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống của cụ Vương Hồng Sển không còn giữ được hiện trạng như lúc xếp hạng di tích. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG.
Liên quan Di tích Khảo cổ học cấp quốc gia Lò Gốm Hưng Lợi, quận 8, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, khẳng định: “Hiện trạng của di tích hiện nay là một mất mát nhiều xót xa".
Theo ông Thuận, thời gian tới, sở cùng các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu, tìm giải pháp phục dựng di tích. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ một phần chứ không thể toàn bộ lò gốm cổ, do đó, sẽ có thêm giải pháp công nghệ để du khách, người dân hiểu trọn vẹn và chi tiết về di tích này.
Về các nhiệm vụ năm 2025, ngành di sản văn hóa chú trọng: Tiếp tục hướng dẫn Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới; tiếp tục thực hiện chỉ tiêu người dân TPHCM được miễn phí tham quan các bảo tàng công lập nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện của thành phố và đất nước; xây dựng Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa TPHCM.
Cùng đó, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; phối hợp các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và đề xuất chủ trương đầu tư các công trình xây dựng bảo tàng và tu bổ, tôn tạo di tích.
Đẩy nhanh công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và danh mục kiểm kê di tích; rà soát, nghiên cứu đặt tên sự kiện quan trọng của đất nước và thành phố cho đường và các công trình công cộng trên địa bàn thành phố…