Bà Phan Thị Kim Liên cho rằng phụ huynh có can thiệp điều chỉnh kịp thời cho con em trước các mối nguy trên không gian mạng.
Thông tin được bà Phan Thị Kim Liên, đại diện World Vision International tại Việt Nam trao đổi tại hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, do Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) tổ chức ngày 21/11, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Rủi ro trên không gian mạng không phân biệt trẻ em thành thị hay nông thôn
Dẫn số liệu của UNICEF, bà Liên cho biết, hiện có đến 89% trẻ em đã sử dụng Internet, trong đó có 87% trẻ em sử dụng Internet hàng ngày. Sử dụng Internet nhiều như vậy, nhưng kiến thức về các nguy cơ trên môi trường mạng của các em rất hạn chế, chỉ 15,6% trẻ em có kiến thức về các nguy cơ trên môi trường mạng.
Theo đánh giá của World Vision International, các tỷ lệ này không có sự khác biệt nhiều giữa trẻ em nông thôn hay thành thị; cũng như giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Điều đó cho thấy Internet đã trở nên phổ biến với các thành phần dân cư và ở hầu khắp mọi nơi tại Việt Nam.
“Chúng ta nghĩ trẻ em thành thị tiếp xúc với Internet nhiều hơn, nhưng thực tế, trẻ em khu vực nông thôn ngày nay cũng sử dụng Internet rất phổ biến”, bà Liên nói.
Còn về phía phụ huynh, chưa đến 30% số phụ huynh có kiến thức về tác động của Internet đối với trẻ em, chủ yếu là về những nguy cơ ảnh hưởng đến mắt, đến sức khỏe của các em và chỉ có 8,6% các bậc cha mẹ hiểu biết về nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em qua mạng.
Do đó, đại diện World Vision International tại Việt Nam cho rằng các bậc cha mẹ cần được trang bị các phương pháp để đồng hành cùng con em mình sử dụng Internet an toàn. Đồng thời, bà Phan Thị Kim Liên nhấn mạnh cần thực hiện công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, kịp thời phát hiện và hỗ trợ những trường hợp trẻ em bị bạo lực, đặc biệt là bạo lực trên mạng.
Môi trường mạng có vai trò quan trọng nhưng tiềm tàng nhiều rủi ro đối với trẻ em.
Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại của UNICEF mới nhất cũng cho thấy có 89% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet, trong đó có 87% trẻ em sử dụng Internet hàng ngày.
Đáng chú ý, hoạt động trên mạng của các em rất đa dạng, từ tương tác trên mạng xã hội, nhắn tin cho bạn bè, tìm hiểu kiến thức phục vụ học tập.
“Rất nhiều các hoạt động trong số này là tích cực và hữu ích cho các em, song cũng có rất nhiều các hoạt động tiềm ẩn những rủi ro”, bà Liên nói và lưu ý rằng lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển não bộ của con người. Lúc này các trải nghiệm xã hội và sự sẵn sàng học hỏi, thích nghi của trẻ rất cao. Chính vì vậy, những gì diễn ra trên Internet có tác động mạnh mẽ đến các em.
“May mắn là mặc dù dễ bị tác động, song não bộ các em cũng có khả năng phục hồi nhanh. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận biết các nguy cơ, có các kiến thức và can thiệp điều chỉnh kịp thời cho các em”, bà Liên nói thêm.
Bảo vệ con em mình trước những nguy cơ trên mạng
Ông Đặng Vũ Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho rằng trong bối cảnh các công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ làm việc giải trí không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người thì những nguy cơ rủi ro về sự an toàn, bảo mật thông tin, về đảm bảo quyền riêng tư cũng đang càng gia tăng.
Với trẻ em, những nguy cơ, rủi ro này càng trở nên rõ nét hơn khi các em chưa có đủ kỹ năng để nhận diện cũng như phòng tránh. Đây là những thách thức không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bảo vệ trẻ em, tăng cường hợp tác kết nối trên không gian mạng để bảo vệ và trao quyền cho trẻ em cũng là những vấn đề được đặt ra trên toàn cầu.
Tuy vậy, ông Đặng Vũ Sơn cho rằng trong thực tiễn triển khai, vẫn còn những hạn chế trong việc kết nối và phối hợp giữa các bên liên quan, "ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”.
Ông Ngô Tuấn Anh trao đổi, điều phối tại tọa đàm.
Chia sẻ chi tiết hơn về hoạt động bảo vệ trẻ em trên mạng thời gian qua, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm CLB VCSC nhắc tới tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03 VNISA vừa ban hành vào tháng 6/2024. Theo ông Tuấn Anh, đây là mốc quan trọng góp phần thúc đẩy hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng.
Tiêu chuẩn này được ra đời trong bối cảnh Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em, hầu hết các em đều tiếp cận với Internet và các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ khi trẻ còn thiếu kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình. Điều này dẫn tới các rủi ro trên môi trường mạng ngày càng gia tăng và cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý, giám sát của cha mẹ với hoạt động trực tuyến của con trẻ trên môi trường mạng.
Tiêu chuẩn này góp phần đánh giá chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để giúp người dùng, các bậc phụ huynh có thể yên tâm hơn trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan tổ chức cũng như đông đảo người dùng cùng chung tay trong công tác bảo vệ con em mình trước những nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng.
Anh Lê