Nông dân tranh thủ mang cà chua ra các điểm thu mua của tiểu thương
Tại thôn Trong Là – Tằm Nguyên (xã Tân Liên), anh Hoàng Văn Toàn ngậm ngùi chở những sọt cà chua vừa thu hoạch ra điểm thu mua: “Cà chua chín đỏ đầy đồng, không hái thì tiếc mà hái thì mất công vì giá bán chẳng đáng là bao. Nhiều ngày qua, thương lái chỉ chọn mua cà chua còn ương xanh; cà chua chín gần như không ai ngó ngàng. Trong vườn nhà tôi còn hơn 6 tạ cà chua chín đành để hỏng trên luống. Tính đến nay, tôi mới bán được hơn 5 tạ cà chua loại gần chín, chủ yếu để vớt vát công chăm sóc”.
Tình trạng cà chua chín rộ không thu hoạch không chỉ diễn ra phổ biến tại các cánh đồng thuộc hai xã Gia Cát và Tân Liên – vùng trồng cà chua lớn nhất huyện Cao Lộc. Tổng diện tích trồng cà chua của hai xã hiện khoảng 44 ha, tăng 12 ha so với năm trước. Với năng suất bình quân trên 23 tấn/ha, sản lượng cà chua vụ này ước đạt hơn 1.000 tấn.
Ông Hoàng Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Tân Liên cho biết: “Năm ngoái cà chua được mùa, được giá nên năm nay nhiều hộ mở rộng diện tích. Riêng xã Tân Liên có 33 ha cà chua, tăng 7 ha so với năm trước.” Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, sâu bệnh nhiều, năng suất không đạt như kỳ vọng, cộng thêm giá bán rớt sâu, nhiều hộ trồng cà chua đang lâm vào cảnh thua lỗ nặng.
Theo ước tính của người dân, mỗi sào cà chua đầu tư khoảng 3 đến 5 triệu đồng. Nhiều hộ trồng với diện tích lớn nên tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục triệu đồng. Với mức giá hiện tại, phần lớn hộ trồng cà chua không thể thu hồi vốn. Nhiều gia đình phải chở cà chua vào thành phố bán lẻ với giá chỉ vài nghìn đồng/kg mà vẫn không tiêu thụ được. Nhìn cà chua chín đỏ hư hỏng ngay trên ruộng, không ít người chỉ biết thở dài xót xa.
Chị Nguyễn Thị Hội, tiểu thương thu mua cà chua tại xã Tân Liên chia sẻ: “Năm ngoái, mỗi ngày tôi gom vài chục tấn để cung cấp cho các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội. Nhưng năm nay, lượng mua chỉ còn khoảng 10 tấn/ngày.” Theo chị Hội, nguyên nhân chính là năm nay, các tỉnh đồng bằng cũng được mùa cà chua, nguồn cung tại chỗ dồi dào, thương lái không còn lên vùng cao thu mua như trước.
Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến đầu ra cà chua rơi vào bế tắc là do sản xuất vẫn mang tính tự phát, chưa có liên kết chuỗi bền vững. Người dân chủ yếu bán cho thương lái theo hình thức tự do, thiếu hợp đồng bao tiêu, chưa tiếp cận được hệ thống phân phối lớn. Khi thị trường “đứt gãy”, người trồng hoàn toàn bị động.
Trước tình hình cà chua rớt giá sâu, chính quyền các xã Gia Cát, Tân Liên đã phối hợp với các hộ thu mua trên địa bàn vận động duy trì một số điểm gom hàng tập trung, nhằm hỗ trợ phần nào việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã cũng chủ động rà soát, tìm hiểu một số cơ sở chế biến nông sản để tìm kiếm đầu mối thu mua, nhưng kết nối còn khó khăn do thị trường tiêu thụ nói chung đều đang bão hòa.
Ông Đồng Minh Quy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn giữ tâm lý mở rộng diện tích trồng các loại cây từng có giá cao ở vụ trước. Tuy nhiên, cách làm này dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân không nên chạy theo thị trường một cách cảm tính mà cần chủ động đa dạng hóa cây trồng như: dưa chuột, khoai tây, khoai môn, bí xanh, bí đỏ... Việc này không chỉ giúp phân tán rủi ro về giá cả, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai và phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.
Việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế cho thấy, việc mở rộng diện tích ồ ạt theo tâm lý “được giá thì trồng nhiều” là xu hướng thiếu bền vững, dễ dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Thay vào đó, người dân cần chủ động theo dõi thông tin dự báo thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Chính quyền cơ sở cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động bà con duy trì diện tích trồng cà chua ở mức hợp lý, tránh tình trạng phát triển nóng dẫn đến dư thừa sản lượng và giảm giá bán.
Về lâu dài, để không lặp lại vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”, ngành chức năng khuyến cáo các địa phương đẩy mạnh việc hình thành các nhóm hộ liên kết sản xuất, tiến tới xây dựng hợp tác xã. Việc tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, có điều tiết và kiểm soát chất lượng sẽ tạo nền tảng để thu hút doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, người trồng cần được tập huấn, tiếp cận quy trình sản xuất an toàn như VietGAP nhằm nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ một cách bền vững, đặc biệt là tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ và nhà máy chế biến.
Trồng trọt vốn đã nhọc nhằn, nhưng nếu thiếu thông tin thị trường, thiếu liên kết tiêu thụ thì nỗi lo “được mùa, mất giá” vẫn đeo bám người nông dân. Muốn người nông dân sống được bằng nghề, nhất thiết phải có giải pháp đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, điều mà chính quyền các cấp và ngành chức năng cần đặt ra ngay từ bây giờ, để tránh tình trạng được mùa mất giá, người dân lao đao.
THỤC QUYÊN - HOÀNG TÙNG