Chưa xuất hiện áp lực đáng kể có thể ảnh hưởng đến lãi suất

Chưa xuất hiện áp lực đáng kể có thể ảnh hưởng đến lãi suất
11 giờ trướcBài gốc
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh
Tỷ giá chững lại, nhưng còn neo cao
Sau chu kỳ “tăng dựng đứng” suốt hơn 3 tuần đầu tháng 10, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD cuối tuần đã có một chút chững lại đà tăng. Cụ thể, tỷ giá trung tâm hôm 25/10 ghi nhận ở mức 24.255 đồng/USD, giảm 5 đồng mỗi USD so với ngày hôm trước. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra do Vietcombank công bố sáng ngày 25/10 là 25.467 đồng/USD, cũng đã giảm 6 đồng mỗi USD so với hôm 24/10.
Giải ngân vốn FDI là yếu tố có thể giải nhiệt cho tỷ giá
"Tỷ giá có thể có những giai đoạn biến động, nhưng cũng cần xem xét đó là chu kỳ ngắn hạn hay trung hạn và dài hạn. Tỷ giá thời gian qua có tăng nhưng đó cũng là yếu tố chu kỳ, nhưng yếu tố tích cực là cuối năm có thể có nguồn tiền kiều hối hỗ trợ, đồng thời, tình hình tăng trưởng giai ngân vốn FDI cũng hỗ trợ tốt cho việc cân đối ngoại tệ". TS.Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh
Diễn biến tỷ giá VND/USD trong nước khá đồng nhịp với diễn biến của chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế. Chỉ số này sau khi đạt đỉnh vào hôm 23/10 đã có một nhịp điều chỉnh giảm, đến sáng ngày 25/10 theo giờ Việt Nam đã về mốc 104,06 điểm. Mặt bằng của chỉ số DXY theo đó tuy vẫn ở mức khá cao (trên 104 điểm), nhưng cũng đã hạ nhiệt so với mức đỉnh 104,57 điểm được thiết lập trước đó 2 hôm.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ giá VND/USD trên thị trường chính thức mặc dù đã tạm thời ngừng tăng, nhưng đã thiết lập mặt bằng cao hơn khá nhiều so với đầu tháng 10. Cụ thể, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 0,7%; tỷ giá bán ra tại Vietcombank đã tăng 2,8%. Điều đáng chú ý là trong ngày 25/10, tỷ giá chính thức của ngân hàng đã điều chỉnh giảm, nhưng tỷ giá thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng thêm 240 đồng mỗi Đô la so với hôm trước, cán mốc 25.800 đồng mỗi USD bán ra. So với thời điểm đầu tháng 10, tỷ giá thị trường tự do cũng đã tăng khoảng 2,7%.
Ở góc độ điều hành thị trường tiền tệ, trước sức nóng của tỷ giá diễn ra trong 3 tuần đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kích hoạt trạng thái bán tín phiếu trên thị trường mở kể từ hôm 18/10. Cụ thể, cơ quan điều hành tiền tệ đã bán 12,3 nghìn tỷ đồng tín phiếu vào hôm 18/10, bán 21,65 nghìn tỷ đồng tín phiếu vào hôm 21/10, bán 12,45 nghìn tỷ đồng vào 22/10, bán 12,8 nghìn tỷ đồng vào 23/10, bán 3,24 nghìn tỷ đồng vào 24/10…
Chưa gây áp lực đến lãi suất
Động thái bán tín phiếu của NHNN có tác dụng hút bớt tiền từ hệ thống ngân hàng thương mại về NHNN và việc này thường có tác dụng làm giảm lượng cung tiền trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc hút tiền sẽ chưa thể gây tác động làm tăng lãi suất bởi mức độ hút tiền thời điểm này vẫn chỉ ở trạng thái nhẹ, đặc biệt lãi suất tín phiếu trong giai đoạn này cũng vẫn duy trì thấp hơn khá nhiều so với giữa năm 2024. TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước thời điểm bán tín phiếu đợt này, NHNN cũng đã có một số giai đoạn mua tín phiếu để bơm tiền vào hệ thống ngân hàng trong quý III/2024. Do đó, đợt hút tiền lần này cũng có thể được hiểu là hành động mang tính điều tiết để cân đối nguồn vốn hợp lý trong hệ thống.
Ngoài ra, quan sát diễn biến lãi suất tín phiếu trong các phiên bán tín phiếu vừa qua của NHNN có thể thấy mặt bằng lãi suất tín phiếu cũng đang khá thấp so với vài tháng trước. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 28 ngày chỉ là 4%, còn lại suất kỳ hạn 14 ngày trong một số phiên đầu bán tín phiếu là 3,74% và trong một số phiên sau đã giảm xuống có phiên chỉ còn 3,6%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tín phiếu trên thị trường mở thời điểm cao nhất hồi giữa năm 2024 là 4,25% ở cả chiều mua và chiều bán.
Tại thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm hiện cũng không cho thấy xuất hiện diễn biến căng thẳng về thanh khoản với mặt bằng hiện duy trì ở mức chỉ khoảng 3,75%, vẫn thấp hơn khá nhiều so với trần lãi suất 5% theo quy định hiện hành của NHNN.
Trong khi đó, đánh giá về diễn biến trung hạn của chu kỳ lãi suất, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tốt và “nội lực” của nền kinh tế có thể cân bằng các yếu tố vĩ mô, trong đó có tỷ giá và lãi suất.
Mới đây tại Hội thảo “Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội”, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright cho biết, tăng trưởng kinh tế đang được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính là tăng trưởng công nghiệp hướng vào xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư công.
Ông Thành dự báo, mức lạm phát kiểm soát năm 2024 nằm trong khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu là 4-4,5%. Về chính sách tiền tệ và tín dụng, theo ông Thành, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương đã bước vào chu kỳ giảm lãi suất điều hành. “Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, dự báo mặt bằng lãi suất sẽ giảm 0,7% trong năm tới” - ông Thành nói./.
Chí Tín
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chua-xuat-hien-ap-luc-dang-ke-co-the-anh-huong-den-lai-suat-162515-162515.html