Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Long An
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp thu thập thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thông tin về nông thôn và thông tin về cư dân nông thôn nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; kết quả thực hiện các bộ chỉ tiêu, văn bản điều hành khác của Đảng và Nhà nước.
Thời gian thu thập thông tin của cuộc tổng điều tra là 30 ngày, từ ngày 01 đến hết ngày 30/7/2025. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 12/2025, kết quả chính thức được công bố vào tháng 3/2026, các báo cáo phân tích chuyên đề được công bố vào quí IV/2026.
Kết quả cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp sẽ là căn cứ để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, nông nghiệp và cải thiện mức sống cư dân nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp và nông thôn giúp cho công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm thuộc lĩnh vực thống kê nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các yêu cầu thống kê khác; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành và địa phương thực hiện thí điểm tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp trình bày một số ý kiến, kiến nghị liên quan đến công tác triển khai, thực hiện cuộc tổng điều tra.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 - Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị (ảnh chụp màn hình)
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 - Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đây là cuộc tổng điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, có tác dụng lâu dài và là nguồn thông tin quan trọng cho các trung tâm dữ liệu lớn của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương cần quan tâm chỉ đạo và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện Tổng điều tra và xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các báo, đài Trung ương và địa phương.
Ngoài ra, cần chú trọng tập huấn, nâng cao năng lực và xây dựng cơ chế chính sách cho đội ngũ điều tra viên; tăng cường giám sát bảo đảm cuộc tổng điều tra diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao./.
Bùi Tùng