Chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân

Chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân
14 giờ trướcBài gốc
Thiếu cả về số lượng và chất lượng
Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được quan tâm xây dựng và hoàn thiện trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân. Trong đó, nhân lực là một trong những vấn đề cơ sở hạ tầng quan trọng, bảo đảm sự thành công của dự án và cần phải được quan tâm đi trước một bước.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000MW (2x2.000MW). Dựa trên khuyến cáo của IAEA và một số tập đoàn, cơ quan về điện hạt nhân, với điều kiện của Việt Nam, nhu cầu nhân lực cần tới 1.200 người cho một nhà máy. Số người này bảo đảm cho các vị trí như kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, nhà máy, vận hành khai thác-điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật. Như vậy, Việt Nam cần chuẩn bị 2.400 nhân lực cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Nguồn nhân lực này chưa tính đến nhu cầu nhân lực cho quản lý nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện, giảng viên trong các cơ sở giáo dục.
Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nơi quy hoạch Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 nhìn từ trên cao. Ảnh: NHƯỠNG HOÀNG
Điện hạt nhân là lĩnh vực đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao, yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng từ khâu thiết kế, công nghệ, xây dựng hạ tầng đến vận hành và quản lý pháp quy hạt nhân. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng. Thực tế, Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học về loại năng lượng này. Còn nhớ, vào năm 2010-thời điểm nghiên cứu dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến năm 2020” (Đề án 1558).
Theo quyết định này, đến 2020, cả nước có khoảng 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành điện hạt nhân, trong đó khoảng 13% được đào tạo tại nước ngoài... Thực hiện quyết định này, giai đoạn 2010-2017 (trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-QH của Quốc hội), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử tổng cộng 429 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cử 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân; cử đi đào tạo lớp cán bộ khung gồm 24 kỹ sư tại Nhật Bản. Song tới nay, nhìn chung chỉ một số ít trong số nhân lực nêu trên hiện làm việc tại EVN, còn phần đông làm việc ở nước ngoài hoặc chuyển sang các ngành, nghề khác.
Cũng thực hiện Quyết định số 1558/QĐ-TTg, một số trường đại học đã mở các chương trình đào tạo liên quan đến năng lượng hạt nhân, cung cấp nguồn nhân lực cơ bản cho ngành như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Điện lực, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Đà Lạt. Từ năm 2016 đến nay, sau khi dự án điện hạt nhân tạm dừng đã không có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, nhiều sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực hạt nhân đã phải làm những việc khác tại các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, bệnh viện có sử dụng tia bức xạ...
Rà soát, đánh giá khả năng của các cơ sở đào tạo
Việc quyết tâm đưa dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận vận hành vào các năm 2030-2031 đòi hỏi Việt Nam phải gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, khoa học kỹ thuật của hệ sinh thái điện hạt nhân. Đề cập tới những nhiệm vụ cần thực hiện ngay để bảo đảm nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Ngay trong quý I-2025 phải khẩn trương dự kiến được nhu cầu, quy mô, lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo; cùng với đó, cần phải đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành công thương... Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa ra chương trình đào tạo chuẩn cho nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Nhấn mạnh, Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư. Do vậy, phải khẩn trương, kịp thời kêu gọi các chuyên gia là người Việt Nam và cả những người yêu mến Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân để tham gia vào quá trình nghiên cứu, đào tạo và hợp tác đào tạo nguồn lực cho điện hạt nhân của Việt Nam; cùng với đó, khẩn trương triển khai các chương trình hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nhân lực hạt nhân của Việt Nam thông qua các cơ chế Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp (về kinh tế và thương mại), Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và các chương trình hỗ trợ phát triển khác của các nước phát triển (ODA).
Đề xuất các giải pháp khác, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, trước hết, về mặt chính sách, Nhà nước cần ban hành chiến lược phát triển khoa học hạt nhân-nguyên tử, trong đó có điện hạt nhân và an toàn để làm cơ sở tiền đề cho chiến lược phát triển khoa học, đào tạo liên quan. Nhà nước cũng cần đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo; đồng thời, cần tập hợp các nhân lực đã được đào tạo trước đây; có chính sách hỗ trợ tài chính, cấp học bổng cho sinh viên và cán bộ đi đào tạo về lĩnh vực điện hạt nhân và an toàn bức xạ.
Còn PGS, TS Lê Thị Hồng Ánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh kiến nghị, để có sự đồng bộ trong hoạt động đào tạo đối với các trường thuộc Bộ Công Thương và ngoài Bộ Công Thương, đề nghị Bộ Công Thương chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các nội dung có liên quan đến điện hạt nhân và lượng tử vào chuẩn chương trình đào tạo các ngành có liên quan đến những vị trí nhân lực cần thiết trong một nhà máy điện hạt nhân, từ giai đoạn quản lý dự án, xây dựng nhà máy đến giai đoạn vận hành nhà máy.
KHÁNH AN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chuan-bi-nhan-luc-cho-dien-hat-nhan-816698