Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự).
Đây là hai nội dung liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt. Đặc biệt, việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng trong phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Chuẩn bị nhân sự tốt là yếu tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.
Đặc biệt, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc “giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhìn chung dựa trên cơ sở quy hoạch nhưng không quá cứng nhắc mà cần phải căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới”… Đây là chủ trương được các cán bộ, chuyên gia và nhân dân đánh giá cao.
Về nguyên tắc, công tác cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương được thực hiện rất bài bản, khoa học, chặt chẽ: từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến luân chuyển thực tiễn và sàng lọc qua nhiều bộ lọc.
Tuy nhiên, nếu chỉ rập khuôn theo quy hoạch mà không quan sát thực tế thì dễ bỏ sót người tài, có năng lực nổi trội.
Việc Tổng Bí thư nhấn mạnh điều này cũng nhằm khuyến khích các cấp ủy, người đứng đầu mạnh dạn giới thiệu những người thật sự có năng lực nổi trội vào Trung ương, kể cả những người chưa có trong quy hoạch.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dĩnh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết: "Xem xét những trường hợp chưa đưa vào quy hoạch nhưng xét thấy có năng lực vượt trội, có phẩm chất đạo đức tốt, được khẳng định trong thực tiễn thì cũng có thể xem xét để đưa vào bố trí vào các cấp ủy đội ngũ cán bộ các cấp, để không để lọt, sót những cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt. từ đó xây dựng được đội ngũ Đảng, các bộ máy trong cơ quan NN đạt kết quả tốt, đặc biệt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng như thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp như vừa qua."
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước sắp xếp lại giang sơn, khi lựa chọn cán bộ chủ chốt, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung cũng là một tiêu chí hết sức quan trọng.
Cùng với đó, Trung ương Đảng cũng kiên quyết đặt ra yêu cầu: không để “lọt” những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; đồng thời, phải có giải pháp, biện pháp hiệu quả để hạn chế, sớm khắc phục tình trạng nhân sự vừa được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc mới được quy hoạch, bổ nhiệm đã phải xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tiễn những nhiệm kỳ gần đây cho thấy, có nhân sự sau khi “lọt” vào Ban Chấp hành Trung ương rồi mới phát hiện ra có vi phạm từ trước. Điều này làm mất cán bộ, khiến bộ máy bị khuyết, phải bổ sung gấp, tạo ra độ trễ và khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Không chỉ tổn thất về nhân lực, hệ quả lớn hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khi một người vừa được tín nhiệm giao trọng trách đã lập tức bị xử lý kỷ luật.
Ông Nguyễn Đắc Tấn, cán bộ hưu trí tại phường Tuy Hòa, tỉnh Đắk Lắk: “Tổng Bí thư nói phải chuẩn bị hết sức chu đáo cho Đại hội 14, mà vấn đề trọng tâm là vấn đề nhân sự - nhân sự là phải làm rất kỹ, rất chín, không để những người chúng ta đi bồi dưỡng rồi, cốt cán rồi lại có vấn đề khi đưa vào nhân sự Đại hội 14 là không được. Do đó, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đảng - phải làm chuyện này dân rất tin tưởng."
Đây là bài học rất lớn để các cơ quan có trách nhiệm thẩm tra, thẩm định nhân sự kỹ lưỡng chặt chẽ hơn nữa. Phải có” con mắt xanh” trong việc lựa chọn cán bộ, những “bộ lọc” phải đánh giá toàn diện từ quá trình công tác của cán bộ từ quá khứ, hiện tại và chiều hướng phát triển trong tương lai.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Tại sao có hẳn bộ lọc, có hẳn mạng lưới, chúng ta thấy nó song trùng, bên Đảng là hệ thống tổ chức Đảng, bên chính quyền là hệ thống nội vụ. Làm sao các màng lọc như vậy, hay nói chung là những người làm về công tác tổ chức cán bộ mà lại vẫn qua nhiều khâu - nhiều bước, quy trình 5 bước thì bây giờ tại sao vẫn lọt?
Tôi nghĩ đầu tiên phải xây dựng tiêu chuẩn để đưa vào. Chứ bây giờ tiêu chuẩn đưa vào vẫn định tính, chung chung thì chắc chắn rất khó để lọc cán bộ ngay từ đầu.
Thứ hai là phải tính đến sự cân đối vì đây chúng ta giới thiệu cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương, ta phải dùng cụm từ là 'đội ngũ.'
Bàn về tập thể, đội ngũ thì chúng ta phải tính đến 4 yếu tố: số lượng, cơ cấu, chất lượng, kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Thì tôi thấy ở đây hay mắc vào 1 vấn đề: mâu thuẫn giữa cơ cấu và chất lượng. Thì theo tôi, chất lượng phải đặt lên hàng đầu - là yếu tố quyết định, rồi mới đến các yếu tố quan trọng khác là số lượng và cơ cấu.
Và cái nữa tôi xin nhấn mạnh lại là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thanh tra - vì qua đấy, ai làm tốt thì biểu dương khen thưởng, ai làm không tốt thì kịp thời nhắc nhở từ đầu từ xa từ sớm.
Chúng ta cần làm đúng, làm đủ và làm tốt có chất lượng mới có những cán bộ đủ đức đủ tài đủ tâm đủ tầm để đưa đường lối, chính sách của Đảng cả nhiệm kỳ đi vào cuộc sống.”
Nhân sự được chọn giới thiệu cho Đại hội sẽ là những người không chỉ gánh vác trách nhiệm trước Đảng trong nhiệm kỳ mới mà còn là niềm hy vọng của nhân dân trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Do vậy, quá trình chuẩn bị và lựa chọn nhân sự cho Đại hội cần tiếp tục nêu cao tinh thần công tâm, trong sáng, thận trọng, khách quan, khoa học, kỹ lưỡng vì lợi ích quốc gia, dân tộc…
Thước đo sát thực nhất về năng lực, bản lĩnh và phẩm chất chính trị là mong muốn kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta vào công tác cán bộ của Đảng trong thời điểm hiện nay./.