Đây là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong các phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) và mới đây là trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025). Kỹ lưỡng, thận trọng là yêu cầu rất cấp thiết trong bối cảnh công tác cán bộ còn tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trước yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
1. Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 là nhiệm vụ quyết định thành công các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới. Đại hội XIV của Đảng sẽ đánh dấu một bước ngoặt chiến lược trong công cuộc xây dựng đất nước khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong bối cảnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt giữ vai trò tiên quyết, không chỉ là cán bộ cấp trung ương, cán bộ cấp chiến lược, mà còn là cán bộ cấp ủy các cấp - nơi triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng.
Tuy nhiên, công tác cán bộ hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn tồn tại. Quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ chưa thực sự khách quan, minh bạch, dẫn đến những hệ lụy lâu dài. Chưa kể tình trạng cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến trì trệ, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Nhiều cán bộ bị kỷ luật vì vi phạm các quy định... Đơn cử như vụ án xảy ra tại Công ty AIC có 25 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. Hay các sai phạm liên quan đến dự án Khu đô thị Đại Ninh tại tỉnh Lâm Đồng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 14 đảng viên, bao gồm 7 cán bộ cấp cao. Đó là chưa kể hàng loạt cán bộ bị khai trừ khỏi Đảng, bị xử lý hình sự sau những sai phạm trong phòng, chống dịch Covid-19, trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước...
Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách phải chuẩn bị nhân sự để bầu vào các chức danh chủ chốt ở các cấp một cách kỹ lưỡng, thận trọng gắn với tiếp tục đổi mới quy trình đánh giá, lựa chọn cán bộ để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
2. Kỹ lưỡng chính là bảo đảm đầy đủ các bước từ quy hoạch, đánh giá, lựa chọn đến giới thiệu nhân sự, dựa trên nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch. Thận trọng là cân nhắc kỹ các khía cạnh về năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, uy tín và khả năng đoàn kết của cán bộ. Tránh tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu năng lực hoặc không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Cụ thể, trong đánh giá năng lực và phẩm chất, cần thực hiện đánh giá toàn diện, không chỉ dựa vào thành tích mà còn xem xét qua thực tiễn công tác và uy tín trong tập thể. Xác minh kỹ lưỡng về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái đang là vấn đề nhức nhối. Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện và phản ánh các dấu hiệu tiêu cực liên quan đến công tác nhân sự.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Những nhân sự được lựa chọn phải thật sự tiêu biểu, nổi trội, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược; phải có tính chiến đấu, tính kỷ luật cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, xứng tầm lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới”.
Để bảo đảm công tác nhân sự đạt hiệu quả cao, điều quan trọng là phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc kế thừa và phát triển. Trên cơ sở đó, bảo đảm sự thống nhất cao trong Đảng, không để xảy ra hiện tượng "cục bộ địa phương" hay "lợi ích nhóm"; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất, và triển vọng phát triển, duy trì sự ổn định trong đội ngũ lãnh đạo.
Về lâu dài, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch cán bộ. Quy hoạch cán bộ phải gắn với mục tiêu chiến lược dài hạn của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong quy hoạch hiện nay, cần chú trọng cán bộ có tư duy đổi mới và khát vọng phát triển dân tộc; cán bộ có năng lực thực thi hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng; cán bộ gắn bó với nhân dân, thấu hiểu thực tiễn và có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp.
Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để chuyển mình, với các động lực là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược; cán bộ am hiểu luật pháp quốc tế, có khả năng giao tiếp và hợp tác trong môi trường quốc tế. Cho nên, ngoài các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 cần xác định mục tiêu tạo dựng đội ngũ lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, có khả năng truyền cảm hứng và dẫn dắt đất nước trong hành trình vươn tầm; luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, tập trung phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Chính vì những lý do trên, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 phải được thực hiện với sự kỹ lưỡng, thận trọng và trách nhiệm cao nhất. Đây không chỉ là chìa khóa cho sự thành công của một kỳ Đại hội mà còn là tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới với khát vọng vươn mình, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Minh Nguyệt