Chuẩn bị tốt các điều kiện để Phú Yên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Chuẩn bị tốt các điều kiện để Phú Yên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới
3 ngày trướcBài gốc
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, đại phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ảnh: HÀ MY
1. Năm 2025 là năm bứt phá, về đích, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các cấp, các ngành cần nỗ lực và quyết tâm để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đồng thời chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng - sự kiện có ý nghĩa lịch sử, khởi đầu cho kỷ nguyên mới. Tập trung triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngay từ những ngày đầu năm mới; trong đó cần đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện Kết luận 97-KL/TW, ngày 5/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về KT-XH năm 2024-2025.
2. Tập trung thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Nghiên cứu, hoàn thiện quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở các cấp, ở từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chủ trương của tỉnh theo đúng quy định; bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất ngay sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.
3. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Chú trọng phát hiện tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, tài và điều kiện công tác; quan tâm hơn nữa đối với cán bộ có lòng nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, đất nước, vừa kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi các vị trí công tác những trường hợp không đủ uy tín, phẩm chất, năng lực thực tiễn; đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 là dịp tốt nhất để thực hiện yêu cầu này. Tiếp tục phát huy truyền thống, đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, chủ động của từng cán bộ, đảng viên và các cơ quan, đơn vị.
4. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình 27-CTr/TU ngày 19/5/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục thực hiện nghiêm các phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng, đảm bảo “đúng vai, thuộc bài”. Nghiên cứu đổi mới việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh; bảo đảm sát thực tiễn, thiết thực và khả thi. Mỗi nghị quyết của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở phải xác định đúng, trúng nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, thôi thúc hành động và giải quyết từng vấn đề trong cuộc sống.
5.Tập trung thực hiện tốt Chương trình 26-CTr/TU ngày 12/5/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình xây dựng chính sách đảm bảo chặt chẽ, khoa học, dân chủ, để chính sách thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển; linh hoạt, có giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển theo nguyên tắc bảo vệ, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.
Mỗi chi bộ cơ sở cần phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo. Mỗi đảng viên là nhân tố quan trọng lan tỏa tinh thần dân chủ và thượng tôn pháp luật đến nhân dân; để từ đó phát huy dân chủ trong nhân dân, làm cho mọi cá nhân, tổ chức đồng tình, ủng hộ với đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước và chủ động tuân thủ, thực thi pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; khuyến khích mỗi công dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, có ý thức thượng tôn pháp luật, tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
6.Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân đối với phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xác định phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Phú Yên phát triển bền vững, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; các chuyên gia, nhà khoa học là nhân tố then chốt; nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp cho phát triển số; có cơ chế thu hút nhân tài; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước… Đề ra những giải pháp, phần việc cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
7. Thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là vai trò nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để.
Triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, dễ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội. Quản lý chặt chẽ tài sản công gắn với xây dựng văn hóa tiết kiệm trong hoạt động công vụ.
8. Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục thống nhất quan điểm người dân không chỉ là trung tâm, đối tượng thụ hưởng, mà còn là chủ thể, và động lực của sự phát triển trong thời kỳ mới. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các giải pháp để các hoạt động KT-XH phải được vận hành chủ yếu theo cơ chế của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành kinh tế phát triển theo các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Cùng với phát triển kinh tế, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời, quan tâm chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống để người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Hội tụ đủ các yếu tố về thế và lực để viết tiếp những trang sử mới
Sau 40 năm đổi mới, chưa bao giờ, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đất nước đã hội tụ đủ các yếu tố về thế và lực để viết tiếp những trang sử mới, bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mà điểm khởi đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu; trăm triệu người dân Việt Nam, muôn người như một, dưới sự lãnh đạo của đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá.
Tỉnh Phú Yên, trải qua 35 năm tái lập đã gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ. Từ một tỉnh với những bộn bề khó khăn, kinh tế ở mức thấp sau tái lập; đến nay, kinh tế qua từng giai đoạn tăng trưởng luôn duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu KT-XH được đầu tư tương đối đồng bộ, đời sống người dân thay đổi rõ rệt, bộ mặt nông thôn, đô thị có chuyển biến và thay đổi khá toàn diện. Có thể nói, sau nhiều năm nỗ lực, Phú Yên đã hội tụ được nhiều yếu tố để sẵn sàng bứt phá, hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Trước bối cảnh lịch sử, thời cơ của đất nước, đòi hỏi toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh Phú Yên với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới và vươn lên, bằng quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, phải tập trung hành động quyết liệt, hiệu quả để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PV
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/76/324458/chuan-bi-tot-cac-dieu-kien-de-phu-yen-cung-ca-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi.html