Chuẩn bị tốt cho tiếp quản Thủ đô

Chuẩn bị tốt cho tiếp quản Thủ đô
3 giờ trướcBài gốc
Sau khi Hiệp định Geneva có hiệu lực, Thành ủy Hà Nội đã nhanh chóng củng cố các đội tự vệ, bí mật hoạt động trong thành phố, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, cùng với nhân dân đấu tranh đòi đối phương phải thi hành và chấp hành đúng các nội dung của Hiệp định Geneva; đấu tranh giữ gìn các nhà máy, xí nghiệp, công sở, giao thông; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong thành phố; đẩy mạnh công tác phát triển lực lượng cách mạng trong thành phố, làm nòng cốt để phối hợp với các lực lượng bên ngoài chuẩn bị tốt mọi mặt cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Ảnh tư liệu
Đầu tháng 8-1954, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ tư lệnh Liên khu 3, Thành ủy Hà Nội họp, tiếp tục xác định nhiệm vụ chính của công tác tiếp quản là: “Coi trọng công tác tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân về tình hình và nhiệm vụ mới của thành phố. Kiện toàn hệ thống chỉ đạo, chỉ huy, tăng cường cán bộ cơ sở; mở rộng mặt trận đoàn kết, phối hợp các mặt đấu tranh chống địch phá hoại tài sản, máy móc, chống địch cưỡng ép di cư, đẩy mạnh công tác địch vận; xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch tiếp quản và các mặt công tác khác”.
Để thực hiện được các nhiệm vụ đó, về công tác quân sự, Hà Nội khẩn trương xây dựng, phát triển lực lượng tự vệ mạnh mẽ và rộng khắp cùng với công an giữ gìn trật tự, an ninh địa phương, bảo vệ nhà máy, xí nghiệp, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài vào tiếp quản Thủ đô. Đưa cán bộ trước đây đã chuyển sang các ngành trở lại mặt trận Thủ đô Hà Nội để chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ.
Với sự chỉ đạo kịp thời, công tác tuyên truyền, vận động đã đạt được những kết quả quan trọng, công nhân các nhà máy, xí nghiệp, công sở tin tưởng, phấn khởi, sẵn sàng thực hiện mọi chủ trương công tác mới. Đầu tháng 8-1954, Bộ tư lệnh Liên khu 3 và Bộ Tổng Tư lệnh tăng cường cho 5 quận ngoại thành Hà Nội hơn 100 cán bộ Quân đội để làm nòng cốt trong xây dựng các đội tự vệ. Số cán bộ này nhanh chóng được triển khai xuống các địa phương phát động nhân dân xây dựng tự vệ làm nòng cốt giữ gìn an ninh, bảo vệ mùa màng và góp phần chuẩn bị địa bàn cho các đơn vị bộ đội vào tiếp quản Thủ đô.
Nhiều nơi đã thành lập được ban ủy nhiệm thôn để tiến hành công việc chung. Lực lượng tự vệ được tổ chức ở hơn 110 trong tổng số 136 thôn, với gần 2.000 đội viên. Đây là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân tiến lên làm chủ nông thôn, chuẩn bị địa bàn vững chắc để các đơn vị Quân đội tiến vào tiếp quản thành phố.
Để bảo đảm an ninh chính trị ở Thủ đô Hà Nội, bảo vệ an toàn cho các cơ quan Trung ương từ Việt Bắc trở về Hà Nội, ngày 21-9-1954, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra Nghị định 35, tổ chức Đại đoàn 350, chỉ định đồng chí Hà Kế Tấn, Tư lệnh Liên khu 3 làm Đại đoàn trưởng, kiêm Chính ủy. Đại đoàn có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ sở chính trị, kinh tế quan trọng ở Thủ đô Hà Nội.
Cùng với các mặt công tác chuẩn bị tiếp quản, các nhu cầu về đời sống vật chất của nhân dân cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, các ngành, các liên khu, tỉnh bạn dốc sức chi viện cho Hà Nội. Đến cuối tháng 9-1954, Hà Nội đã chuẩn bị được 12.000 tấn gạo, hơn 12.000 tấn củi, 15.000 tấn than, 400 con bò... đủ cung cấp trong vòng 3 tháng.
Đặc biệt, ngày 11-9-1954, Thành ủy Hà Nội ra nghị quyết thành lập Ủy ban Quân chính. 6 ngày sau, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị thành lập Ủy ban Quân chính TP Hà Nội, phân công Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 làm Chủ tịch; bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó chủ tịch. Bộ máy tiếp quản của Ủy ban Quân chính TP Hà Nội được tổ chức trên cơ sở bảo đảm việc tiếp thu và quản lý tất cả cơ quan các cấp của chính quyền Pháp và Bảo Đại.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, điều hành trực tiếp của Ủy ban Quân chính TP Hà Nội, quân và dân ta đã tiếp quản Thủ đô tuyệt đối an toàn, nhanh gọn, bao gồm các căn cứ quân sự cùng hàng trăm công sở, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... được nguyên vẹn. Ngay sau khi tiếp quản, Ủy ban Quân chính đã tuyên bố giải tán bộ máy chính quyền cũ; thiết lập trật tự trong thành phố; chỉ đạo các ban và các sở khẩn trương tổ chức quản lý và khôi phục hoạt động, bảo đảm cho guồng máy thành phố chạy đều, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng cuộc sống mới theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã xác định.
NGUYỄN THẢO
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/chuan-bi-tot-cho-tiep-quan-thu-do-797463