Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang, Tổ phó và các thành viên Tổ chuẩn bị Văn kiện Đại hội của 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào những nội dung chính của Đề cương Báo cáo chính trị; chủ đề Đại hội và một số nội dung quan trọng khác. Các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong bối cảnh đất nước và 2 tỉnh đạt được nhiều thành tựu to lớn sau gần 40 năm đổi mới và gần 30 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Hai tỉnh phát huy những tiềm năng, lợi thế và kế thừa nhiều kết quả, thành tựu nổi bật, toàn diện trên nhiều lĩnh vực của các nhiệm kỳ trước, nhất là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường.
Tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang tiếp tục khẳng định là những địa phương phát triển năng động, thủ phủ công nghiệp của miền Bắc; cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng chiến lược. An sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt; hệ thống chính trị được củng cố, vững mạnh; hình ảnh, vị thế của 2 tỉnh được khẳng định và không ngừng nâng cao.
Các ý kiến đề nghị cần phân tích kỹ những lợi thế so sánh, hạn chế, nút thắt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để có sự nhìn nhận khái quát, bao trùm nhất trong phần đánh giá kết quả thực hiện nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh những thuận lợi, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, 2 tỉnh phải đối mặt những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, khó dự báo, bị tác động sâu sắc bởi những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 (thời gian đầu 2 tỉnh là tâm dịch của cả nước), thiên tai, chiến tranh thương mại; vừa tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới nảy sinh, vừa phải xử lý các sai phạm, tồn đọng từ nhiều năm trước... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của tỉnh.
Trên cơ sở nhận diện sớm, phát huy nhanh mọi thuận lợi, thời cơ, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông nguồn lực, phát triển toàn diện các ngành kinh tế, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh (mới) trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Dự thảo Đề cương đã đề ra 21 chỉ tiêu, 7 chương trình trọng tâm và 3 đột phá chiến lược của cả nhiệm kỳ, bảo đảm tính tổng thể, toàn diện trên tinh thần vừa bám sát chỉ đạo của Trung ương, vừa phát huy được các đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Bắc Ninh (mới). Cùng với đó, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, năng lực xây dựng chính sách của cán bộ và chất lượng cuộc sống nhân dân…
Hoan nghênh ý kiến đóng góp trách nhiệm của các thành viên Tổ chuẩn bị Văn kiện Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị: Văn phòng Tỉnh ủy 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang phối hợp tiếp thu, tổng hợp các ý kiến trực tiếp tại hội nghị cũng như ý kiến góp ý bằng văn bản để bổ sung vào dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị, trong đó làm rõ hơn quan điểm lãnh đạo, các chương trình, mục tiêu phát triển; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, sát thực, có tính dự báo cao hơn. Các thành viên Tổ chuẩn bị Văn kiện, trên tinh thần, chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục hoàn thiện chi tiết hơn một số nội dung còn thiếu trong dự thảo Báo cáo chính trị và đi liền là xây dựng hệ thống các chương trình hành động kèm theo, để sau tổ chức đại hội sẽ triển khai thực hiện.
Thái Hùng (TTXVN)