Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng để công trình hạ tầng chiến lược này chính thức chuyển giai đoạn sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Ngoài việc xác định kế hoạch tổng thể, nghị quyết của Chính phủ sẽ xác định các mốc tiến độ, các phạm vi công việc chính yếu của Dự án, trong đó có việc khởi đầu đặc biệt quan trọng là lựa chọn tư vấn lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi (bao gồm cả thiết kế kỹ thuật tổng thể - FEED) và lập hồ sơ mời thầu Gói thầu EPC. Đây là công trình có quy mô lớn, công nghệ phức tạp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành xây dựng giao thông nước nhà.
Cùng với việc thỏa mãn các mục tiêu của Dự án, một trong những yêu cầu cao độ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra đối với Dự án chính là nêu cao tính tự lực, tự cường trong quá trình thực hiện, huy động tối đa các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình.
Yêu cầu được Quốc hội đặt ra đối với việc phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ rất cụ thể: Tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp. Đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.
Trên thực tế, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ chỉ thành công trọn vẹn khi doanh nghiệp Việt Nam được tham gia sâu vào Dự án. Đó không đơn thuần là việc đảm nhận thật nhiều khối lượng công việc tại đại dự án, mà còn là để học hỏi, nắm bắt, tích lũy được kinh nghiệm, bí kíp công nghệ, từ đó có thể vận hành, khai thác, bảo trì suôn sẻ, tiến tới triển khai tại các công trình tương tự trong tương lai.
Với vai trò đi trước mở đường, cầu nối tiếp nhận công nghệ, sự xuất hiện của các kỹ sư tư vấn Việt Nam ngay trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế chính là chìa khóa đầu tiên để mở cánh cửa tự lực, tự cường trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tư vấn cũng là lực lượng đi đầu trong việc tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao cho các đơn vị trong nước, đảm bảo tính độc lập, khách quan đối với đơn vị tổng thầu, kiểm soát chi phí phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Kinh nghiệm tại Việt Nam trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và từ chính các quốc gia phát triển đường cao tốc đi trước cho thấy, việc lựa chọn tư vấn thiết kế cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có thể triển khai theo hai mô hình.
Với mô hình thứ nhất, liên danh tư vấn sẽ bao gồm các nhà thầu quốc tế và trong nước, trong đó tư vấn quốc tế đứng đầu liên danh, tư vấn trong nước là thành viên triển khai các hạng mục công việc theo thỏa thuận. Với mô hình thứ hai, vị trí của tư vấn trong nước được đổi chỗ, trong đó tư vấn trong nước đứng đầu liên danh có thể huy động thêm các vị trí nhân sự chủ chốt là các chuyên gia quốc tế đầu ngành.
Trên thực tế, mỗi mô hình đều có thuận lợi, khó khăn riêng. Khi triển khai theo mô hình thứ nhất sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn được đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, năng lực, nhưng hạn chế là thời gian lựa chọn tư vấn kéo dài; tính linh hoạt trong tham mưu, xử lý các công việc yêu cầu tiến độ gấp bị hạn chế; tính khách quan của tư vấn phụ thuộc nhiều vào sự khác biệt về quốc tịch đối với đơn vị tổng thầu xây lắp. Sẽ rất quan ngại về tính độc lập khách quan trong triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao nếu như cả tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và tổng thầu đến từ cùng một quốc gia. Quan trọng hơn, dù được góp mặt, nhưng vai trò và tiếng nói tư vấn trong nước trong tổ hợp này không cao, dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Với mô hình thứ hai, các chuyên gia quốc tế sẽ được huy động làm việc dưới sự điều hành trực tiếp của đơn vị tư vấn trong nước để vừa khắc phục được những lo lắng của mô hình thứ nhất, vừa quản lý tốt về chi phí và công nghệ. Song để có thể triển khai thành công mô hình thứ hai thì ngoài việc phải sớm có chính sách đặc thù, cần có niềm tin chiến lược vào khả năng của doanh nghiệp tư vấn trong nước.
Những năm qua, nhiều công trình cầu đường quy mô lớn, kỹ thuật cao đã được thực hiện hoàn hảo bằng 100% trí tuệ, năng lực của các nhà thầu Việt Nam. Nếu không có niềm tin về năng lực của dân tộc Việt, sự dấn thân với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thì rất khó có một tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được xây dựng bằng tinh thần tự lực, tự cường mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn kỳ vọng.
Anh Minh