Chuẩn bị ứng phó mùa mưa, bão lũ 2025, không để bị động bất ngờ

Chuẩn bị ứng phó mùa mưa, bão lũ 2025, không để bị động bất ngờ
11 giờ trướcBài gốc
Ngày 9-5, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai thông tin, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Chỉ thị số 02 đề nghị các tỉnh, thành phố trên cả nước tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025.
Không để bị động bất ngờ
Bộ đề nghị các địa phương tổng kết toàn diện việc ứng phó với siêu bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2024, đồng thời rà soát, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, lực lượng theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành.
Xuyên đêm đắp đê chống lũ ở tỉnh Bắc Giang trong cơn bão 3 (tháng 9-2024). Ảnh: Báo Bắc Giang
Các Sở Nông nghiệp và Môi trường phải đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng hệ thống đê điều, hồ chứa để phát hiện sớm các yếu tố rủi ro, chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng vị trí trọng điểm.
Các địa phương phối hợp với lực lượng quân đội trên địa bàn để chuẩn bị phương tiện, vật tư và nhân lực hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”. Việc diễn tập, tập huấn nghiệp vụ và vận hành thử các công trình như trạm bơm, cống dưới đê, cửa van xả lũ cũng là yêu cầu bắt buộc để bổ khuyết những điểm yếu còn tồn tại.
Sửa chữa các công trình xung yếu
Chỉ thị cũng đề cập việc xử lý dứt điểm các sự cố đê điều, hồ chứa đã xảy ra trong năm 2024, đặc biệt là các điểm xung yếu do bão số 3 gây ra. Các địa phương cần lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, đồng thời chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để tu sửa trước mùa mưa lũ năm nay.
Bộ cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án đê điều, thủy lợi đang triển khai, trong đó ưu tiên các công trình ngăn lũ, ngăn mặn, tiêu thoát úng, chống hạn. Việc thi công các hạng mục chính trong mùa mưa lũ bị nghiêm cấm nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Xử lý vi phạm đê điều, thủy lợi
Bộ đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, xây dựng trái phép trên bãi sông, đổ phế thải gây cản trở thoát lũ. Các trường hợp vi phạm phải bị xử lý dứt điểm, không để kéo dài hoặc tái diễn.
Bên cạnh đó, các địa phương phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 24/CT-TTg năm 2019 về xử lý vi phạm pháp luật đê điều, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt khi có sự cố và tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân cùng tham gia giám sát, bảo vệ công trình.
PHÚC HẬU
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/chuan-bi-ung-pho-mua-mua-bao-lu-2025-khong-de-bi-dong-bat-ngo-post794470.html