Chuẩn cơ sở giáo dục đại học: 'Chật vật' giữ chân tiến sĩ

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học: 'Chật vật' giữ chân tiến sĩ
14 giờ trướcBài gốc
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tập huấn ứng dụng mô hình đào tạo trực tiếp và trực tuyến Blended Learning. Ảnh: NTCC
Tuy nhiên, với sự ràng buộc chặt chẽ về quy định tài chính, các trường đại học công lập đã và đang đối mặt với tình trạng giảng viên xin nghỉ việc sau một thời gian ngắn làm xong tiến sĩ.
“Chảy máu” chất xám sang khu vực tư nhân
Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01/2024) của Bộ GD&ĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được áp dụng từ năm 2025. Trong đó, yêu cầu cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản trị, giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, tiêu chuẩn quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.
Theo thống kê từ hệ thống HEMIS của Bộ GD&ĐT do các cơ sở giáo dục đại học cập nhật kê khai, số lượng giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của cả nước là khoảng 30.000 người, chiếm 33% tổng số giảng viên. Nhưng nhiều cơ sở giáo dục đại học có tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ thấp hơn rất nhiều so với trung bình chung của các nước.
Nếu không có chính sách đầu tư quyết liệt để đào tạo, thu hút và giữ chân đội ngũ tiến sĩ từ bây giờ, đến năm 2030, nhiều trường đại học khó đạt tiêu chí về trình độ giảng viên như yêu cầu của Thông tư 01/2024.
Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế hiện có 1 PGS, 2 tiến sĩ; 2 giảng viên vừa bảo vệ tiến sĩ thành công. Đối chiếu với tiêu chuẩn về đội ngũ giảng viên đối với cơ sở giáo dục đại học đào tạo đặc thù, hiện tại trường đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Phát - Phó Hiệu trưởng phụ trách cho biết, đã có 4 giảng viên của trường xin nghỉ sau khi đạt trình độ tiến sĩ. Vì vậy, Trường Đại học Nghệ thuật không biết thời gian tới, đội ngũ giảng viên có biến động nào không.
Theo lý giải của ông Nguyễn Quang Phát, trong điều kiện các cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ, thì các trường ở địa phương khó có thể giữ chân được giảng viên có học hàm, học vị. Giảng viên có quyền lựa chọn những điểm đến hấp dẫn, cũng như phát huy tốt nhất khả năng của mỗi người.
Đại học Đà Nẵng vừa có 2 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, quản lý phụ trách kiểm định chất lượng giáo dục xin thôi việc. Một trong số này đã chuyển sang khối trường ngoài công lập công tác. Ngoài ra, tính đến tháng 3/2023, Trường Đại học Văn hóa TPHCM có 16 giảng viên nghỉ việc và nghỉ hưu chỉ trong vòng 2 năm. Trong số này có 7 tiến sĩ và 1 PGS.
Trong báo cáo của Trường Đại học Cần Thơ gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ mới đây cũng nhắc đến tình trạng giảng viên của trường xin chuyển ra ngoài làm việc cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, tình trạng giảng viên được cử đi đào tạo lên tiến sĩ ở nước ngoài rồi không trở về tương đối lớn. Báo cáo của Trường Đại học Cần Thơ nhận định tình trạng chảy máu chất xám sang khu vực tư nhân và ra cả nước ngoài không ngừng phát triển và trở thành xu hướng đáng lo ngại.
Tương tự, Trường Đại học Tiền Giang hiện vẫn đủ số lượng tiến sĩ giảng dạy toàn thời gian theo yêu cầu, thế nhưng trong điều kiện các cơ sở giáo dục đại học chạy đua để đạt chuẩn tiến sĩ thì giữ chân giảng viên là một thách thức rất lớn của nhà trường.
Theo thống kê, trong 18 năm kể từ khi thành lập Trường Đại học Tiền Giang đến nay, đã có 64 giảng viên của trường được cử đi đào tạo nâng cao trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, có hơn một nửa số giảng viên này đã không còn công tác ở trường.
Về nguyên nhân, theo như lý giải của nhà trường, do cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu còn hạn hẹp, mức thu nhập dành cho tiến sĩ còn khiêm tốn so với các cơ sở giáo dục đại học khác nên trường rất khó để cạnh tranh trong việc giữ chân giảng viên có trình độ cao.
Trường Đại học Kiên Giang mới xấp xỉ đạt 20% giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, nhà trường có 38 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh. Theo quy định, giảng viên đi học nước ngoài được hưởng 60% lương nhưng nhà trường đã trích quỹ sự nghiệp bù thêm 40% để trong thời gian làm tiến sĩ, giảng viên vẫn được hưởng 100% lương.
Ngoài ra, Trường Đại học Kiên Giang tài trợ toàn bộ học phí trong thời gian học đúng hạn, đảm bảo các phúc lợi như người lao động đang làm việc tại trường và khi học xong về trường sẽ nhận được một khoản tiền hỗ trợ. Dù so ra có nhiều chính sách ưu đãi nhưng Trường Đại học Kiên Giang vẫn lo lắng về nguy cơ “mất người” sau khi giảng viên làm xong tiến sĩ.
Trường Đại học Hà Tĩnh đạt chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: NTCC
Nỗ lực tự đào tạo đáp ứng chuẩn giảng viên
Năm 2024, Trường Đại học Hà Tĩnh thu hút được 2 tiến sĩ về công tác, nhưng một tiến sĩ chuyển đi nơi khác. Ông Đoàn Hoài Sơn - Hiệu trưởng cho biết, trong kế hoạch, Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ sáp nhập trở thành thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội theo đề án UBND Hà Tĩnh đã trình với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT.
Tại tờ trình gửi các cấp, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu rõ, Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đã ban hành nhằm tăng tỷ lệ tiến sĩ, đến năm 2026 đạt 50 - 60% giảng viên có trình độ tiến sĩ, phấn đấu đến năm 2030 có trên 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư... mở được ít nhất 10 ngành đào tạo thạc sĩ, 5 mã ngành đào tạo tiến sĩ.
“Hiện nay, Trường Đại học Hà Tĩnh có hơn 170 giảng viên. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có 33 tiến sĩ và hơn 10 giảng viên đang theo học trình độ tiến sĩ… Nếu không chuẩn bị nguồn nhân lực thì về lâu dài nhà trường và địa phương sẽ rất bị động, khó thực hiện các mục tiêu chiến lược”, ông Sơn cho biết và thông tin, để tạo điều kiện cho tất cả cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh yên tâm học tiến sĩ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa danh sách tất cả các ngành mà nhà trường đào tạo tiến sĩ vào “ngành nghề tỉnh cần” và hưởng chế độ theo Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 với mức hỗ trợ đào tạo là 150 triệu đồng.
Ngoài chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hà Tĩnh, trong quy chế chi tiêu nội bộ, Trường Đại học Hà Tĩnh cũng đã có nội dung hỗ trợ cho công tác đào tạo bồi dưỡng.
Đối với người học nghiên cứu sinh hỗ trợ 3 triệu đồng, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hỗ trợ 100 triệu đồng, khi có quyết định thành lập Hội đồng bảo vệ cấp cơ sở nhà trường cho tạm ứng 50% kinh phí này; được phong hàm phó giáo sư thưởng 100 triệu đồng, được phong hàm giáo sư thưởng 200 triệu đồng...
Ngoài ra, để đáp ứng tiêu chuẩn về yêu cầu trình độ giảng viên, thu hút giảng viên giỏi, tạo điều kiện tốt cho giảng viên, nhà trường ưu tiên xem xét bổ nhiệm chức vụ cho các giảng viên là tiến sĩ. Khi Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, các điều kiện chính sách sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, để thu hút nguồn lực chất lượng cao theo Nghị quyết 46/2021, tỉnh Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ giảng viên giáo sư - tiến sĩ 1 tỷ đồng, phó giáo sư - tiến sĩ 800 triệu đồng và tiến sĩ 500 triệu đồng sau khi tiếp nhận về công tác.
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024. Ảnh: NTCC
Cần nâng mức lương cho nhân lực khu vực đại học
Ông Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Đối với việc thu hút, giữ chân giảng viên có trình độ cao, hiện nay, cơ quan chủ quản là Đại học Đà Nẵng đã có một số giải pháp cụ thể và các trường thành viên đều triển khai như nhau.
Ngoài ra, nhà trường cũng có chính sách hỗ trợ giảng viên mới được tuyển dụng, hỗ trợ thực hiện đề tài cấp cơ sở, khen thưởng khi có bài đăng trên các tạp chí khoa học uy tín. Tuy vậy, phải nói thực rằng đây đang là một vấn đề nan giải mà nhà trường phải mạnh mẽ giải quyết, bởi nguồn lực con người luôn là yếu tố then chốt cho bất kì cơ sở giáo dục đại học nào”.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, từ nguồn thu học phí, các trường đại học cũng có thể trang trải một phần để đầu tư vào người học. Tuy nhiên, đối với nhân sự thì do các rào cản trần mức lương, các trần phụ cấp khác nên khó có thể tăng thu nhập của viên chức một cách đáng kể.
Vậy nên, để có thể thu hút thêm nhân lực cũng như giữ chân các nhà nghiên cứu, giảng viên có trình độ, cần có chính sách từ Nhà nước mà việc này có thể được thông qua cơ chế đặc biệt khi nguồn ngân sách dành cho giáo dục đại học được tăng lên.
Ngoài chính sách thu hút tiến sĩ, một số trường đại học địa phương đẩy mạnh yêu cầu bắt buộc giảng viên phải làm tiến sĩ trong khoảng thời gian nhất định, nếu không sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Như Trường Đại học Công Thương TPHCM, từ tháng 9/2024, yêu cầu giảng viên dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi đã có bằng thạc sĩ phải đi học tiến sĩ.
Giảng viên thực hiện đăng ký tham gia dự tuyển trình độ trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ra thông báo. Nếu giảng viên không thực hiện, sau 3 năm sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2024, Trường Đại học Hà Tĩnh đưa vào đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ đối với những giảng viên không cam kết đi học tiến sĩ theo lộ trình của nhà trường đưa ra.
Hà Nguyên - Tiến Hiệp
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/chuan-co-so-giao-duc-dai-hoc-chat-vat-giu-chan-tien-si-post731569.html