Vì sao cần rà soát và đồng bộ?
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), khai thác khoáng sản là một ngành công nghiệp đặc thù, gắn liền với việc sử dụng tài nguyên không tái tạo, tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường và an toàn lao động. Khác với các ngành xây dựng và sản xuất thông thường, hoạt động khai thác khoáng sản phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện địa chất tự nhiên, vị trí mỏ cố định, loại hình khoáng sản và phương pháp khai thác cụ thể.
Đồng bộ hóa hệ thống quy định pháp luật liên quan đến thiết kế mỏ phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định pháp luật hiện hành. Ảnh: T.T
Vì vậy, việc áp dụng cứng nhắc các quy định pháp luật chung, đặc biệt là các quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, sẽ không phản ánh đúng tính chất kỹ thuật và đặc điểm vận hành của ngành này. Do đó, cần thiết phải có hệ thống quy định pháp luật riêng, chuyên sâu và phù hợp với thực tế quản lý khai thác khoáng sản, nhằm đảm bảo kiểm soát hiệu quả quá trình khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn cho người lao động.
Cục Công nghiệp chỉ ra, triển khai quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010 và các Nghị định hướng dẫn Luật, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Thông tư số 26/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 quy định nội dung lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và dự toán xây dựng công trình mỏ khoáng sản (Thông tư 26). Sau 8 năm áp dụng, các văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ để xây dựng Thông tư 26 đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hết, vì vậy, việc áp dụng Thông tư này trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và dự toán xây dựng công trình mỏ khoáng sản có những bất cập về căn cứ pháp lý, việc xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư 26 là rất cấp thiết.
Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025) thay thế Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12.
Tại khoản 4 Điều 61 Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ quy định nội dung thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ. Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định nội dung thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ. Hiện nay, dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về khoáng sản
Các mục tiêu chủ yếu của việc xây dựng, ban hành Thông tư quy định nội dung thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản và thiết kế mỏ bao gồm: Thứ nhất, cập nhật nội dung thiết kế cơ sở và thiết kế mỏ: Thông tư mới sẽ quy định chi tiết về nội dung thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản và thiết kế mỏ, đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành và yêu cầu kỹ thuật mới.
Thứ hai, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan: Thông tư mới sẽ hướng dẫn việc lập thiết kế mỏ theo trình tự một bước hoặc nhiều bước, phù hợp với các quy định của pháp luật về xây dựng, đầu tư, môi trường...
Thứ ba, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quản lý. Việc ban hành thông tư mới sẽ giúp đồng bộ hóa các quy định liên quan đến thiết kế mỏ (thiết kế, thẩm định thiết kế mỏ, cấp phép khai thác, quản lý an toàn, môi trường, kiểm tra hoạt động khai thác mỏ…). Từ đó, tăng cường khả năng giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Dự thảo Thông tư gồm 7 Điều và 11 Phụ lục, ngoài các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, nội dung Thông tư tập trung vào hai nhóm quy định chính cụ thể:
Nội dung thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản (gồm 03 phụ lục hướng dẫn): Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư số 26/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định về nội dung liên quan, loại bỏ những quy định không cần thiết, xem xét bổ sung những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về mức độ an toàn, môi trường… trên cơ sở các phương pháp khai thác khoáng sản chủ yếu là: Phương pháp khai thác lộ thiên, khai thác hầm lò và khai thác bơm hút.
Nội dung thiết kế mỏ (gồm 09 phụ lục hướng dẫn): Căn cứ vào tính đặc thù của ngành khai khoáng và yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước, đồng thời bám sát quy định của pháp luật về xây dựng liên quan đến trình tự thiết kế xây dựng công trình, dự thảo Thông tư tiến hành điều chỉnh, bổ sung hệ thống biểu mẫu, phụ lục hướng dẫn cho phù hợp với đặc điểm kỹ thuật của từng phương pháp khai thác khoáng sản và các bước thiết kế xây dựng.
Việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy định trong dự thảo Thông tư sẽ góp phần đồng bộ hóa hệ thống quy định pháp luật liên quan đến thiết kế mỏ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định hiện hành của Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan khác.
Đáng chú ý, Thông tư khi được ban hành và áp dụng sẽ tăng cường khả năng giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động thẩm định, cấp phép, kiểm tra và thanh tra đối với các dự án khai thác khoáng sản.
Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc lập, trình thẩm định và triển khai thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản thông qua hệ thống biểu mẫu, hướng dẫn rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và khả thi trong việc thực hiện các bước thiết kế cơ sở và thiết kế mỏ theo từng loại hình khai thác.
Thông tư cũng góp phần triển khai nghiêm túc và hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu: “Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về khoáng sản; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững”.
Bộ Công Thương đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Thông tư quy định nội dung thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản và thiết kế mỏ và đang được lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trình lãnh đạo bộ xem xét phê duyệt.
Duy Anh