Chuẩn mực đạo đức cách mạng

Chuẩn mực đạo đức cách mạng
6 giờ trướcBài gốc
Theo Bác, cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai; kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi; liêm là trong sạch, không tham lam; chính là không tà, thẳng thắn, đứng đắn; còn chí công vô tư là khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; là lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào. Trong Di chúc, Người dặn dò “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và xem đó là một trong những nội dung của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: THANH THUẬN
Có thể khẳng định, đối với Đảng ta, công tác xây dựng Đảng cũng như tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chưa bao giờ bị lơ là. Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới có cả thời cơ, thuận lợi, khó khăn và thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì nội dung của công tác này càng được mở rộng và đi vào chiều sâu với những đòi hỏi về tính cụ thể, hiệu quả, chất lượng.
Việc Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024, gọi tắt là Quy định 144), trong đó có chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư (tại Điều 3) đã tạo nên hệ thống hoàn chỉnh về chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Đây là “những nguyên tắc, quy tắc mang tính mực thước, khuôn mẫu đánh giá, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên, gắn với mục tiêu, lý tưởng cộng sản, mang nhiệm vụ chính trị của Đảng, tạo cơ sở để cán bộ, đảng viên tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”.
Theo Quy định 144 , “Cần” là: Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo. “Kiệm” là: Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân. “Liêm” là: Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
“Chính” là: Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. “Chí công vô tư” là: Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực; không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng; thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
Đây chính là những “tấm gương” phản chiếu để mỗi cán bộ, đảng viên luôn tự soi, tự sửa, thực hành “đối với tự mình”. Để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên thực hiện, đồng thời làm căn cứ đánh giá, đo lường mức độ thực hiện các chuẩn mực này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa các tiêu chí rất cụ thể (Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW ngày 3/7/2024 thực hiện Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới).
Theo đó, tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên “Cần” là căn cứ vào “tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”. Tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên “Kiệm” là căn cứ vào việc “quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân”.
Tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên “Liêm” là căn cứ vào sự “trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên “Chính” là căn cứ vào tính “trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”.
Tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên “Chí công vô tư” là căn cứ vào việc “nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để bị tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, trong đó có chuẩn mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đã tiếp tục khẳng định vai trò của đạo đức - yếu tố cấu thành nền tảng tinh thần xã hội và là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Đây cũng là kết quả từ việc thấm nhuần lời dạy của Bác, không lúc nào Đảng ta lơ là, mà luôn quan tâm, đề cao việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh hiện nay, những chuẩn mực đạo đức nói trên còn góp phần xây dựng hệ giá trị người cán bộ, đảng viên, đáp ứng các yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chuẩn mực đã có, tiêu chí cũng đã rõ ràng, việc còn lại là mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hành, thực hành thường xuyên, báo cáo trung thực với cấp ủy để theo dõi, kiểm tra, giám sát và biểu dương, khen thưởng kịp thời. Các cấp ủy phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát, đưa vào nội dung kiểm điểm, đánh giá định kỳ và thực hiện nghiêm túc, chất lượng, để hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng trong Quy định 144 phát huy đầy đủ vai trò, vừa là thước đo, khuôn mẫu cho hành vi, vừa là căn cứ đánh giá và điều chỉnh hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự “đạo đức”, “văn minh”.
THÚY HIỂN
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/chinh-tri/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/202410/chuan-muc-dao-duc-cach-mang-f8c10ba/