Chứng chỉ ngoại ngữ có phải 'cây đũa thần'?

Chứng chỉ ngoại ngữ có phải 'cây đũa thần'?
3 giờ trướcBài gốc
Tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: NTCC
Nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy; trong đó có IELTS khiến phụ huynh, học sinh “chạy đua” để sở hữu chứng chỉ này.
Chạy đua với chứng chỉ
Dù học lớp 11 nhưng con chị Nguyễn Hải Yến ở Khu đô thị Times City (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có chứng IELTS 6.0. Tuy nhiên, chị Hải Yến tiếp tục đầu tư, động viên, đốc thúc con tập trung học tiếng Anh. “Đến lớp 12, tôi muốn con đạt tối thiểu IELTS 8.0. Điểm càng cao, cơ hội vào các trường đại học tốp đầu càng rộng mở”, chị Yến phân trần, đồng thời cho biết sẽ đầu tư, động viên con tham gia kỳ thi SAT.
Lý do chị Hải Yến tập trung cho con “chạy đua” với chứng chỉ IELTS vì, nhiều năm trở lại đây, chứng chỉ này được xem như “tấm vé vàng” giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học.
Theo ghi nhận của chị Hải Yến, năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam yêu cầu điểm IELTS từ 5.0 hoặc 5.5 trở lên, đặc biệt là các ngành đào tạo quốc tế. Với các trường tốp đầu, xu hướng là xét tuyển IELTS cùng một số tiêu chí khác như điểm học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... Một số trường áp dụng chính sách quy đổi như thí sinh có chứng chỉ IELTS 7.5 - 9.0 sẽ tương đương 10 điểm.
Hiện, các trường đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh. TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội nhận định, xu hướng chung không trường nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Muốn hội nhập phải có ngoại ngữ.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, để tốt nghiệp đại học, sinh viên bắt buộc có chuẩn đầu ra ngoại ngữ; trình độ ngoại ngữ sẽ mở rộng cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập. Thống kê cho thấy, những sinh viên có trình độ ngoại ngữ tốt, sau khi ra trường, mức lương thường cao hơn bạn có ngoại ngữ kém. “Vì vậy, xu hướng các trường đại học xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng trở nên phổ biến”, TS Nguyễn Thị Cúc Phương phân tích.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: TG
Nên dành chỉ tiêu nhất định
Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu hướng tuyển sinh phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Phương thức này tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn và phù hợp với tiêu chuẩn đầu ra của các trường đại học.
Với những ngành có yêu cầu cao về năng lực tiếng Anh như: Chương trình liên kết quốc tế; chương trình chất lượng cao giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, việc ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế là phù hợp.
Tuy vậy, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, các trường đại học cần tính toán dành số lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển này nhằm đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đối với học sinh ở vùng miền khác nhau. Nên chăng dành khoảng 10% nhằm đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh, đối tượng xét tuyển.
Ngoài việc phải có nền tảng học tiếng Anh tốt, học sinh cần trải qua quá trình ôn tập từ nhiều năm tại các trung tâm luyện thi. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, vùng sâu xa rất khó có được những trung tâm, lò luyện chất lượng để thí sinh tham gia luyện thi. Điều này rõ ràng là bất lợi và thiệt thòi lớn đối với các em.
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Sửu - đại biểu Quốc hội TP Huế cho rằng, nếu các trường đại học không đặt ra một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì lâu dài sẽ đẩy việc học tiếng Anh tới chỗ cực đoan và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Thực tế cho thấy, xét tuyển ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ ít, nhiều có những bất cập, vô hình trung tạo ra mất công bằng đối với học sinh miền núi, vùng sâu xa. Do đó, các trường đại học cần nghiên cứu, xem lại phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tránh thiệt thòi cho học sinh nông thôn, miền núi.
Tại tọa đàm “Ứng dụng AI vào dạy học tiếng Anh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”, PGS.TS Lê Văn Canh - nguyên giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, phụ huynh có nhiều kỳ vọng về con cái, trong đó có năng lực tiếng Anh. Việc các trường dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển bằng IELTS (dù có trường thậm chí không dùng tiếng Anh để giảng dạy) khiến phụ huynh đổ xô, “chạy đua” cho con luyện thi IELTS.
“Cũng không phủ nhận, dư luận xã hội tạo cho phụ huynh hiểu lầm rằng, đạt kết quả IELTS cao là tài năng và coi chứng chỉ IELTS như “đũa thần”. Điều này hoàn toàn sai lầm”, PGS.TS Lê Văn Canh nhấn mạnh và cho rằng, bài thi IELTS cao không đồng nghĩa việc sử dụng ngôn ngữ thuần thục.
Chẳng hạn khi viết một bài luận IELTS, người học có thể đạt điểm số cao, thể hiện phần nào quan điểm cá nhân, nhưng nó chỉ đo được một lát cắt. Thực tế, có trường hợp đạt IELTS cao nhưng gặp khó khăn khi giao tiếp tự nhiên; thậm chí không thể viết có cảm xúc và thuyết phục.
Theo PGS Lê Văn Canh, lâu nay phụ huynh dành nhiều quan tâm đến vai trò của tiếng Anh. Điều này không sai nhưng cần hiểu rõ vai trò tiếng Anh đến đâu. Phụ huynh cần nhận thức lại việc có thực sự cần “chạy đua” để cho con học tiếng Anh, “cày cuốc” luyện IELTS hay không và những thành tích đó có thể đảm bảo chắc chắn trẻ sẽ thành công trong tương lai. Dù chưa có thống kê cụ thể về điều này, nhưng có những hệ lụy nhìn thấy ngay khi phụ huynh chạy đua theo tâm lý đám đông không chỉ gây tốn kém tiền bạc, mà còn chiếm quá nhiều thời gian, gây ra sức ép không cần thiết lên con trẻ.
Hiện có khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học. Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là một trong số đó. Đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm tăng cơ hội, đảm bảo công bằng cho thí sinh ở mọi vùng miền. Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được hầu hết cơ sở giáo dục đại học sử dụng.
Minh Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/chung-chi-ngoai-ngu-co-phai-cay-dua-than-post718403.html