Đỏ mắt chờ "sổ hồng"
Dù đã sống ở chung cư VP6 (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gần 10 năm, nhưng chị Thanh Huyền vẫn nhớ như in ngày chân ướt, chân ráo về nhận căn nhà.
"Năm 2015, qua một sàn giao dịch, vợ chồng tôi mua được căn hộ thấp tầng, trước đó đã có chủ và chúng tôi được sang nhượng lại. Tuy nhiên, dù đã ở 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất", chị Huyền chia sẻ.
Chung cư VP6 đã sử dụng được 10 năm nhưng các hộ dân vẫn chưa có "sổ hồng".
Chị Huyền cho biết, qua thông tin báo chí, khi mua xong căn hộ chị mới biết, tòa chung cư xây dựng sai phép. Do lần đầu mua nhà, chị chưa có kinh nghiệm.
Anh Nguyễn Văn Phương, một cư dân khác sống tại chung cư VP6 ngao ngán nói: "Theo quảng cáo ban đầu, cạnh tòa nhà sẽ có dự án trường mầm non. Nhưng 10 năm nay, mảnh đất ấy vẫn quây tôn, cỏ mọc um tùm. Lúc mới mua căn hộ, con vẫn còn nhỏ, sau 10 năm, con đã học cấp hai mà chẳng thấy trường đâu".
Nơi chủ đầu tư “vẽ” viễn cảnh công viên, khu vui chơi, nay trở thành bãi trông giữ xe.
Ngoài "chiếc bánh vẽ" như người dân phản ánh, chủ đầu tư còn tổ chức xây dựng sai giấy phép xây dựng, sai quy hoạch. Chung cư VP6 cao 25 tầng, 2 tầng kỹ thuật và 3 tầng hầm, song chủ đầu tư đã xây dựng thành 35 tầng.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, từ tầng 2 đến tầng 9 của tòa nhà đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng từ dịch vụ thương mại, văn phòng thành căn hộ. Riêng các tầng từ 26 trở lên, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng vượt tầng.
Đây cũng là lý do khiến gần 800 cư dân, dù đã về ở 10 năm nay nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Dự án Sakura Tower đã được chủ đầu tư "hô biến" thêm 2 tầng căn hộ ở so với phương án kiến trúc.
Nâng tầng, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
Đây là thực tế diễn ra tại nhiều dự án chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điển hình là dự án tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân do Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích đất hơn 2.600m², diện tích đất xây dựng gần 1.300m² tương ứng mật độ xây dựng 48,2%.
Dự án được khởi công từ quý IV/2009, sau khi bị đình chỉ, xử phạt, năm 2012 Sở Xây dựng Hà Nội mới cấp giấy phép xây dựng cho dự án.
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư dự án Sakura Tower xây dựng công trình cao 28 tầng, vượt 2 tầng căn hộ ở so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Chủ đầu tư đã xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được duyệt và đã tự ý chuyển đổi công năng.
Dự án Star City từ đất công cộng "biến" thành cao ốc 27 tầng với mật độ xây dựng tới 60,2%.
Một dự án khác là Star City, tổ hợp tòa nhà trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng và căn hộ cao cấp có vị trí tại lô đất số 2, ô đất 4.1-CC-Lê Văn Lương (Nhân Chính, Thanh Xuân). Chủ đầu tư là Tập đoàn tài chính đa ngành nghề Đại Dương (Ocean Group).
Theo quy hoạch chi tiết 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002, dự án trên là đất công cộng thành phố, tầng cao trung bình là 18,5 tầng, mật độ 53%.
Năm 2005, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án thành nhà ở chung cư, bãi đỗ xe, mật độ xây dựng 50,3%, cao 16 tầng. Ba năm sau đó, năm 2008, dự án tiếp tục được điều chỉnh tăng 9 tầng, lên 25 tầng.
Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, việc dự án Star City 3 lần điều chỉnh quy hoạch, từ đất công cộng "biến" thành cao ốc 27 tầng là vượt thẩm quyền.
Nhiều dự án khác tại hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính cũng cho thấy, hàng loạt những bất cập tương tự.
Việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, không tính toán đến sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đã gây thực trạng quá tải, ùn tắc cục bộ tại tuyến đường Lê Văn Lương và một số khu vực Trung Hòa - Nhân Chính thời gian qua.
Cần làm rõ trách nhiệm, mạnh tay xử lý
Trước những tồn tại trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các tiêu chuẩn đã quy định rõ các tỷ lệ khống chế mật độ xây dựng, tỷ lệ các loại đất, chiều cao công trình, tùy theo quy mô dân số, quy chuẩn cũng quy định các công trình giáo dục, y tế…
Tuy nhiên, quá trình lập, thẩm định xảy ra tình trạng không tuân thủ các quy định, dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông và nhiều vấn đề khác.
Theo luật sư Nguyễn Hải Lăng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), một trong những nguyên nhân dễ gây hỏa hoạn chính là do các dự án vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Bên cạnh đó, việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch khiến nhiều dự án không thể nghiệm thu được PCCC, từ đó dự án cũng không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Theo luật sư Nguyễn Hải Lăng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), để chấn chỉnh các vi phạm, cần tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm, thậm chí phá bỏ phần xây dựng sai phép, đình chỉ thi công dự án.
Đồng thời, công khai thông tin quy hoạch, tạo cơ chế giám sát cộng đồng. Người dân và các tổ chức xã hội cùng tham gia giám sát cán bộ quản lý và các chủ đầu tư để xảy ra vi phạm; cần thiết phải nâng khung hình phạt đối với nhóm có hành vi vi phạm này.
"Việc điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch xây dựng là hệ quả của việc buông lỏng quản lý, cũng không loại trừ nguyên nhân có sự móc ngoặc giữa chủ đầu tư và cán bộ quản lý, dẫn đến thực trạng bất cập như hiện nay. Vì thế, cần làm rõ trách nhiệm để xử lý, không thể để như hiện nay", luật sư bày tỏ.
Kim Thoa
Khánh Hòa