Tỉnh Bình Định đã ghi nhận 842 trường hợp mắc các bệnh cúm tổng hợp, 22 trường hợp bị viêm phổi nặng nghi do nhiễm virus. Trong số này, 9 trường hợp được xác định dương tính với cúm A/H1pdm rải rác tại TP Quy Nhơn (4 ca), huyện Phù Mỹ (3 ca), thị xã An Nhơn (1 ca) và huyện Vĩnh Thạnh (1 ca). Trong đó, 4 ca đã tử vong (3 ca tại Phù Mỹ và 1 ca tại Vĩnh Thạnh).
Trước diễn biến trên, Sở Y tế Bình Định yêu cầu các bệnh viện, đơn vị và trung tâm y tế các địa phương cần chủ động khi phát hiện trường hợp nghi mắc hoặc đã xác định được cúm A/H1pdm thì áp dụng ngay các biện pháp cách ly y tế.
Qua đó, cần đánh giá nhanh tình trạng người bệnh để phân loại mức độ, trường hợp dấu hiệu nặng cần chuyển ngay điều trị hồi sức tích cực với điều trị căn nguyên và chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa tử vong.
Chủng cúm A(H1N1) trước đây (năm 2009) là đại dịch nhưng hiện nay là cúm mùa vẫn đang lưu hành hàng năm.
Trường hợp bệnh mắc cúm A/H1pdm có biến chứng hoặc các yếu tố nguy cơ cần được xem xét, chỉ định sử dụng ngay thuốc kháng virus; xem xét điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc 4 bệnh nhân ở Bình Định mắc cúm A/H1pdm tử vong không có gì bất ngờ. Đây là chủng cúm A(H1N1) trước đây (năm 2009) là đại dịch nhưng hiện nay là cúm mùa vẫn đang lưu hành hàng năm, vẫn có thể gây tử vong, đặc biệt đối với những người có bệnh nền và người già... do khi mắc cúm miễn dịch bị suy giảm. Các trường hợp tử vong ở Bình Định chủ yếu là người có bệnh nền và là những ca đơn lẻ.
Cúm A là trong một những chủng virus cúm phổ biến, gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Virus này có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt qua các giọt dịch tiết từ mũi, miệng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi, họng.
Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.
Virus cúm A/H1N1 đã gây ra đại dịch toàn cầu vào năm 2009, hàng triệu người nhiễm. Mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1 không cao như cúm gia cầm A/H5N1 hoặc A/H7N9, song có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp và tử vong, đặc biệt ở người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch yếu.
Tại Việt Nam, ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên được ghi nhận vào tháng 5-2009. Từ đó, cúm A/H1N1 lưu hành trong cộng đồng, khả năng bùng phát thành các đợt dịch nhỏ lẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo cúm A/H1N1 có thể gây tử vong ở những người có bệnh mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Mỗi năm, trên thế giới ghi nhận khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong liên quan cúm, trong đó cúm A/H1N1 là một trong các tác nhân phổ biến.
Bộ Y tế cho biết hiện đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa. Để phòng chống bệnh cúm A/H1pdm và cúm mùa nói chung.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cần tăng cường rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, dụng cụ sạch sẽ; tránh tiếp xúc với người bệnh. Cúm mùa đã có vaccine, vì vậy người dân nên tiêm vaccine phòng cúm hằng năm để phòng bệnh; tiêm vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu cũng như cần tiêm đúng vaccine theo mùa đã được khuyến cáo.
Khi có triệu chứng cúm, đặc biệt là sốt cao, đau nhức toàn thân, người dân nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị.
Trần Hằng