VN-Index khép lại phiên trong sắc xanh
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một phiên giao dịch khởi sắc vào ngày 13/2, khi VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng sau nửa phiên sáng. Mặc dù đã có một nhịp điều chỉnh mạnh trước 14 giờ, chỉ số vẫn kết thúc ngày giao dịch với mức tăng 3,44 điểm, đạt 1.270,35 điểm.
Với mức độ tăng trưởng ấn tượng, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu đã dẫn đầu thị trường trong phiên hôm nay, khi tăng 2,21%. Các cổ phiếu khoáng sản tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, nổi bật là KSV, MSR, HGM và BKC đều đồng loạt tăng trần. Nhóm cao su cũng ghi nhận sự khởi sắc khi GVR tăng 2,43%, PHR tăng 2,52%, DPR tăng 5,47%. Các cổ phiếu trong nhóm phân bón cũng ghi nhận mức tăng mạnh, với DCM tăng 3,86%, DPM tăng 4,74% và RTB tăng 6,11%. Cổ phiếu hóa chất như CSV và DGC cũng ghi nhận sự tăng trưởng, lần lượt là 5,87% và 0,09%. Ngành thép với HPG và TVN cũng góp phần vào đà tăng chung của thị trường, với mức tăng lần lượt là 0,19% và 2,41%.
Ngoài ra, 3 nhóm ngành cũng ghi nhận mức tăng trưởng trên 1% gồm hàng tiêu dùng và trang trí (tăng 1,86%), dịch vụ chuyên biệt và thương mại (tăng 1,34%), xe và linh kiện (tăng 1,09%).
Mặc dù không thuộc nhóm ngành có mức tăng mạnh nhất, nhưng các cổ phiếu trong ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản vẫn có ảnh hưởng đáng kể trong việc hồi phục điểm số của VN-Index trong phiên chiều. Trong top 10 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm số nhất cho chỉ số VN-Index, VHM đứng đầu với gần 0,75 điểm. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng như CTG, TCB, MBB, LPB cũng đóng góp đáng kể vào đà tăng điểm của thị trường.
Ngược lại, 2 ngành viễn thông và phần mềm là những ngành giảm mạnh nhất trong phiên giao dịch hôm nay. Cổ phiếu VGI của ngành viễn thông giảm 1,97%, FOX giảm 0,83%, và CTR giảm 1,14%. Trong khi đó, ngành phần mềm cũng không mấy khả quan khi ông lớn FPT giảm 1,31%, trở thành tác nhân chính kéo giảm chỉ số.
Một nhóm ngành khác thu hút sự chú ý là phân phối và bán lẻ hàng lâu bền. Các cổ phiếu bán lẻ như MWG giảm 2,84%, FRT giảm 0,94%, DGW giảm 0,13%. Ngoài ra, cổ phiếu ô tô như CTF giảm 3,94%, HAX giảm 2,39%, cũng chịu tác động tiêu cực. Xét trên VN-Index, FPT và MWG là 2 cổ phiếu lấy đi nhiều điểm số nhất, lần lượt gần 0,66 điểm và hơn 0,5 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 619 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 13.376 tỷ đồng, cao hơn một chút so với phiên trước nhưng vẫn khá thấp so với giai đoạn gần đây. Trong khi đó, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng mạnh mẽ. Kết phiên, khối ngoại mua vào gần 1.049 tỷ đồng nhưng bán ra gần 1.361 tỷ đồng, dẫn đến giá trị bán ròng gần 312 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trong phiên là VNM, VPB, MWG, NLG. DPM là cổ phiếu duy nhất ghi nhận lượng mua ròng mạnh mẽ, đạt hơn 43 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép phục hồi sau "bão"
Ngay sau thông tin Mỹ áp thuế 25% lên thép, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã có sự giảm mạnh 4,69% trong phiên giao dịch ngày 10/2, khiến vốn hóa của công ty bị "thổi bay" hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 2 phiên giao dịch sau đó (11-13/2), cổ phiếu HPG đã hồi phục khoảng hơn 2%, lấy lại cân bằng.
Về tác động của chính sách thuế mới đối với Hòa Phát, doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng đáng kể. Nguyên nhân là các sản phẩm thép xây dựng và HRC, mặt hàng xuất khẩu chính của Hòa Phát, hiện đang chịu mức thuế từ 33% đến 36%, cao hơn so với mức thuế 25% mới áp dụng. Hơn nữa, xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng của Hòa Phát, do đó tác động từ việc tăng thuế là không đáng kể đối với doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, một số sản phẩm tôn mạ của Hòa Phát có mức thuế khoảng 22%. Việc thuế tăng có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm thép Việt Nam tại thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ, vì thế, có thể sẽ phải giảm giá bán để duy trì thị phần tại thị trường Mỹ.
Dù nhu cầu thép tại Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (chiếm 51% tổng tiêu thụ thép), việc tìm kiếm nhà cung cấp mới sẽ mất thời gian. Các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam vẫn có thể duy trì sản lượng xuất khẩu bằng cách giảm giá bán, bởi biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp này hiện đang ổn định ở mức từ 8% đến 10%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp có thể giảm nhẹ trong thời gian tới.
3 doanh nghiệp tôn mạ niêm yết trên sàn chứng khoán, gồm Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á (GDA), có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lần lượt là 9%, 13% và 16%, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế mới.
Về thuế chống bán phá giá, Bộ Thương mại Hoa Kỳ từ quý III/2024 đã tiến hành điều tra đối với thép CORE và dự kiến sẽ công bố kết luận vào quý II/2025. Tuy nhiên, sản phẩm thép CORE làm từ thép CRC, một dòng sản phẩm mà không có doanh nghiệp niêm yết nào sản xuất, nên sẽ không ảnh hưởng đến các công ty niêm yết hiện nay.
Hương Trang