Giải trình nguyên nhân lợi nhuận giảm, ACBS cho biết, chủ yếu do các mảng hoạt động then chốt đều sụt giảm. Đáng chú ý nhất là mảng tự doanh, vốn từng đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh, nay chỉ mang về hơn 32 tỷ đồng lợi nhuận, giảm tới 71% so với quý I/2024.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động môi giới ghi nhận mức lỗ hơn 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 28 tỷ đồng, phản ánh rõ áp lực cạnh tranh trong ngành và chi phí đầu tư gia tăng – đặc biệt là cho hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực.
Tổng doanh thu hoạt động của ACBS trong quý I/2025 đạt xấp xỉ 746,5 tỷ đồng, tăng 21,44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu nhập từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) – chủ yếu là tiền gửi tại các tổ chức tín dụng – tăng mạnh 82%, đạt gần 171 tỷ đồng. Hoạt động cho vay ký quỹ (margin) tiếp tục phát huy hiệu quả với doanh thu hơn 206 tỷ đồng, tăng 65%.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro và chi phí lãi vay phục vụ cho vay tăng 160% cùng kỳ, lên hơn 178 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần 70%, lên gần 45 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế ACBS đạt hơn 146 tỷ đồng, giảm 31% so với quý I/2024.
Trái ngược với đà giảm lợi nhuận, quy mô tài sản của ACBS vẫn tiếp tục mở rộng. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản đạt hơn 30.491 tỷ đồng, tăng gần 4.450 tỷ đồng, tương đương mức tăng 17% so với đầu năm. Với tốc độ này, ACBS đang tiến gần mục tiêu tài sản 32.850 tỷ đồng đề ra cho cả năm nay.
Động lực chính thúc đẩy đà tăng tài sản đến từ các khoản đầu tư HTM. Cuối quý I, danh mục này đạt gần 15.264 tỷ đồng, tăng thêm gần 3.800 tỷ đồng chỉ sau ba tháng. Đáng chú ý, phần lớn HTM là tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng, chiếm hơn 15.000 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay cũng ghi nhận mức tăng, từ gần 8.690 tỷ đồng đầu năm lên hơn 9.423 tỷ đồng, trong đó cho vay margin chiếm áp đảo với hơn 9.338 tỷ đồng.
Ở chiều tăng giá trị tài sản, danh mục tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng từ hơn 3.126 tỷ đồng lên gần 3.893 tỷ đồng. Thành phần chính của danh mục này gồm cổ phiếu niêm yết và UPCoM (gần 2.287 tỷ đồng), tài sản cơ sở cho chứng quyền có bảo đảm (khoảng 899 tỷ đồng) và trái phiếu Chính phủ (gần 698 tỷ đồng).
Để hỗ trợ tăng trưởng quy mô, ACBS tiếp tục gia tăng cả nợ vay lẫn vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả đến cuối quý I đạt hơn 20.491 tỷ đồng, với khoản vay tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn – đạt 16.790 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Các đối tác cho vay lớn của ACBS là những tên tuổi quen thuộc như BIDV, Vietcombank và Eximbank.
Vốn chủ sở hữu cũng được bổ sung mạnh mẽ. Sau đợt tăng vốn từ 7.000 tỷ lên 10.000 tỷ đồng trong năm 2024 và đầu năm 2025, Công ty tiếp tục được bơm thêm vốn từ ngân hàng mẹ ACB.
Mai Trang