Chứng khoán BIDV (BSC): Lợi nhuận mục tiêu 560 tỷ đồng, dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10% trong năm 2025

Chứng khoán BIDV (BSC): Lợi nhuận mục tiêu 560 tỷ đồng, dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10% trong năm 2025
một ngày trướcBài gốc
ĐHĐCĐ 2025 của BSC. Ảnh: Mai Trang.
Hoàn thành 18% kế hoạch lợi nhuận năm 2025 sau quý I
Theo báo cáo tại Đại hội, năm 2024, lợi nhuận trước thuế của của BSC đạt 516 tỷ đồng với sự đóng góp tích cực của các hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh. Tỷ lệ sinh lời ROE đạt 8,5%/năm. Tổng tài sản đến ngày 31/12/2024 đạt 10.315 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, nền tảng khách hàng tiếp tục tăng trưởng với gần 19.000 tài khoản mở mới, chiếm 2,34% thị phần môi giới cổ phiếu.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động và điều kiện kinh doanh không mấy khả quan, lợi nhuận trước thuế của BSC trong quý I ghi nhận 100 tỷ đồng, hoàn thành 18% kế hoạch năm 2025, trong đó đóng góp chính đến từ hoạt động cho vay margin (67%) và hoạt động đầu tư (31%).
Dựa trên việc đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025, BSC khá thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025. Theo đó, doanh nghiệp lên kế hoạch mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 560 tỷ đồng, tăng 9% so với mức thực hiện năm 2024.
Theo lãnh đạo BSC, năm nay doanh nghiệp tập trung vào các mục tiêu cốt lõi như nâng cao năng lực tài chính, mở rộng nguồn vay vốn nước ngoài đáp ứng cho nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh; tăng trưởng toàn diện các mảng kinh doanh cốt lõi, tăng cường hợp tác, mở rộng kênh phân phối và đa dạng hóa sản phẩm; Mở rộng quy mô tài sản sinh lời thông qua tăng dư nợ cho vay và quy mô đầu tư các tài sản sinh lời trên cơ sở quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn vốn,…
Cơ hội nếu thị trường chứng khoán được nâng hạng
Tại đại hội, trả lời cổ đông về những thay đổi của thị trường chứng khoán nếu thị trường được nâng hạng thành công, lãnh đạo công ty nhận định: Dựa trên các hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN trong việc đáp ứng các tiêu chí của FTSE Russell, BSC dự báo Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market) vào tháng 9/2025, với quá trình chuyển đổi hoàn tất vào tháng 3/2026.
Ảnh hưởng từ việc thị trường chứng khoán có thể nâng hạng như thút dòng vốn quốc tế lớn, thúc đẩy việc nâng cấp, áp dụng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại theo chuẩn quốc tế, tạo tiền đề phát triển các sản phẩm mới (như: bán khống, day-trading, cho phép bán chứng khoán chờ về, hợp đồng quyền chọn cổ phiếu…) giúp đa dạng hóa sản phẩm của thị trường chứng khoán Việt Nam, tăng thanh khoản và quy mô giao dịch của thị trường; Cải thiện cấu trúc thị trường với sự tham gia của các NĐT tổ chức quốc tế; Nâng cao khả tiếp cận vốn từ nguồn lực quốc tế, tìm kiếm đối tác hợp tác, M&A… từ đó nâng cao năng lực quản trị, tính cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Phân tích tác động của chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam, đại diện BSC cho biết, chính sách thuế quan đối ứng mới từ Hoa Kỳ đang định hình lại trật tự thương mại toàn cầu và đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam, do nước ta có khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu hướng đến thị trường Hoa Kỳ.
Tác động ban đầu của chính sách thuế được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm doanh nghiệp FDI (chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu), các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như thủy sản, dệt may, đồ gỗ, cũng như nhóm dịch vụ liên quan như khu công nghiệp, logistics. Khó ước tính hơn là tác động lan tỏa (vòng hai) có thể ảnh hưởng đến việc làm, tiêu dùng nội địa, tỷ giá, mặt bằng lãi suất, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và diễn biến thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh sau khi Mỹ công bố áp thuế, với VN-Index giảm hơn 17% trong 4 phiên, trước khi hồi phục nhờ thông báo gia hạn đàm phán 90 ngày. Tuy nhiên, xu hướng sắp tới vẫn phụ thuộc vào tiến triển thực tế của đàm phán và mức độ ảnh hưởng cụ thể đến doanh nghiệp. Dù vậy, kỳ vọng nâng hạng thị trường và hệ thống KRX sắp vận hành vẫn là điểm tựa tích cực cho thị trường.
Trong bối cảnh đó, BSC đã chủ động tăng cường công tác quản trị rủi ro, theo dõi sát sao diễn biến thị trường và điều chỉnh chiến lược đầu tư để giảm thiểu tác động tiêu cực. Đồng thời, BSC cũng đã đẩy mạnh phân tích ảnh hưởng của chính sách thuế lên từng ngành nghề, doanh nghiệp cụ thể. Trên cơ sở đó, chúng tôi hỗ trợ nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu ít bị tác động để đảm bảo hiệu quả và mức độ an toàn trong danh mục đầu tư.
Về cơ hội, thị trường giảm sâu tạo ra mặt bằng giá hấp dẫn tại nhiều cổ phiếu đầu ngành có nền tảng tốt, tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Đây là những cơ hội chiết khấu sâu mà trong điều kiện bình thường khó xuất hiện với mức định giá P/B VNindex về vùng 1.4 đến 1.5 lần. BSC quan tâm vào các nhóm ngành có cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng dài hạn, định giá phù hợp và ít chịu tác động trực tiếp như: hạ tầng, tài chính, tiêu dùng, công nghệ thông tin, năng lượng... trên cơ sở đánh giá thận trọng và phù hợp khẩu vị đầu tư.
Bên cạnh đó, BSC cũng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ và đẩy mạnh mảng ngân hàng đầu tư (tư vấn phát hành, niêm yết...) nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội từ kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Tại đại hội, HĐQT BSC đã trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 và được ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn điều lệ. Theo đó, BSC dự kiến phát hành hơn 22,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ chi trả 10%). Sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của BSC sẽ tăng từ 2.230 tỷ đồng lên 2.453 tỷ đồng, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh doanh của công ty.
Trang Mai
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/chung-khoan-bidv-bsc-loi-nhuan-muc-tieu-560-ty-dong-du-kien-tra-co-tuc-ty-le-10-trong-nam-2025.html