Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ khi các động lực mờ dần

Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ khi các động lực mờ dần
8 giờ trướcBài gốc
Diễn biến chỉ số Nikkei 225
Thị trường cổ phiếu toàn cầu đã được nâng đỡ bằng vô số tin tốt vào đầu tuần này như việc Mỹ và Trung Quốc tạm dừng cuộc chiến thuế quan, cũng như một loạt các thỏa thuận đầu tư thu hút sự chú ý từ Trung Đông trong chuyến công du vùng Vịnh của ông Trump...
Nhưng hầu hết sự lạc quan đã lắng xuống khi thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/5), khiến hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á đều giảm điểm, chứng khoán tương lai phố Wall cũng giảm nhẹ sau khi các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ ghi nhận mức tăng nhỏ trong phiên giao dịch qua đêm.
“Chúng ta đã có một bữa tiệc lớn, mọi người đều say xỉn, và bây giờ chúng ta chỉ đang hồi phục và chờ đợi bữa tiệc lớn tiếp theo”, Tony Sycamore - một nhà phân tích thị trường tại IG ví von.
Theo các nhà phân tích, mặc dù cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạm ngưng đã mang lại cho thị trường một số lý do để vui mừng, nhưng việc thiếu sự rõ ràng và thiếu nhất quán trong các chính sách thương mại của ông Trump đã khiến thị trường có cảm giác bất ổn dai dẳng về triển vọng kinh tế toàn cầu.
“Tôi có cảm giác rằng có một chút miễn cưỡng khi đưa thị trường lên cao hơn từ đây”, Sycamore cho biết. “Tôi không nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vội vã quay lại vị thế đầu tư quá mức mà họ đã có ở cổ phiếu Mỹ vì sự tự tin đã bị lung lay trong các sự kiện diễn ra trong vài tháng qua, cả từ thuế quan và các nhà lập pháp”.
Theo đó hợp đồng tương lai Nasdaq giảm 0,02% và hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 0,13%. Trong khi hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 giảm 0,09%; còn hợp đồng tương lai FTSE tăng nhẹ 0,08%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei N225 giảm 1,1%, chỉ số topix giảm 0,75%. Tương tự tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,25%, chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq giảm 0,37%. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số blue-chip CSI300 cũng giảm 0,23%, chỉ số Shanghai giảm 0,47%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 0,33%. Tuy nhiên tại Úc chỉ số S&P/ASX tăng 0,14%.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu về doanh số bán lẻ và báo cáo thu nhập của Walmart sẽ được công bố vào thứ Năm, một chỉ báo cho ngành bán lẻ Mỹ, để kiểm tra tâm lý người tiêu dùng. Một kết quả đáng thất vọng có thể làm gia tăng nỗi lo về suy thoái kinh tế ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều này sẽ kéo thị trường đi xuống.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng dự kiến sẽ có bài phát biểu vào cuối ngày, trong đó trọng tâm sẽ là bất kỳ manh mối nào liên quan đến triển vọng lãi suất của Mỹ.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD cũng quay đầu giảm nhẹ trở lại sau khi đã phục hồi khá mạnh trong phiên hôm qua. Hiện chỉ số USD Index đang xoay quanh ngưỡng 100,83, giảm hơn 0,2% so với mức đóng cửa ngày thứ Tư.
Mặc dù vậy đồng bạc xanh đang hướng tới tuần tăng giá thứ Tư liên tiếp, nhưng đồng tiền dự trữ số một thế giới vẫn chưa lấy lại được những gì đã mất sau ngày 2/4 – ngày ông Trump công bố các mức thuế quan đối ứng với hầu hết các đối tác thương mại khiến các thị trường bán tháo tài sản Mỹ.
Tuy nhiên tâm điểm chú ý trên thị trường tiền tệ là đồng won của Hàn Quốc sau khi đồng tiền này vừa trải qua hai phiên giao dịch đầy biến động, xuất phát từ thông tin Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Ji-young đã gặp Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Quốc tế tại Bộ Tài chính Mỹ, Robert Kaproth, để thảo luận về tỷ giá đôla/won vào ngày 5/5.
Mặc dù một bài báo từ Bloomberg cho biết, Washington không đàm phán để đồng đôla yếu hơn như một phần của các cuộc đàm phán thuế quan đã giúp bình tĩnh thị trường tiền tệ, nhưng những lo ngại rằng chính quyền Mỹ đang theo đuổi một chiến lược như vậy vẫn tiếp tục khiến các nhà đầu tư cảnh giác.
Những động thái mới nhất của đồng won gợi nhớ đến đợt tăng giá chưa từng có của đồng đôla Đài Loan vào đầu tháng này.
Theo đó đồng đôla đã giảm hơn 1% so với đồng won, hiện đang được giao dịch ở mức 1.392,59 KRW/USD.
“Mặc dù thông tin chi tiết còn khan hiếm và những cuộc thảo luận như vậy có thể là một phần của cuộc đối thoại đang diễn ra, nhưng nó tập trung trở lại vào phạm vi các loại tiền tệ thặng dư thương mại bị định giá thấp tăng giá trong môi trường đồng đôla yếu hơn”, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu giảm do kỳ vọng về một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng giữa Mỹ và Iran, trong khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng bất ngờ vào tuần trước đã làm gia tăng mối lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng cung vượt cầu. Hiện giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,8% xuống 64,93 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng giảm 1,9% xuống 61,95 USD/thùng.
Mặc dù đồng USD giảm, song giá vàng giao ngay vẫn giảm 0,7% xuống còn 3.152,50 USD/oz.
Hà Vy
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/chung-khoan-chau-a-chim-trong-sac-do-khi-cac-dong-luc-mo-dan-164220.html