Diễn biến chỉ số Nikkei 225
Bộ thương mại Trung Quốc cho biết vào thứ Sáu (2/5) rằng Mỹ đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đàm phán về thuế quan và cánh cửa của Trung Quốc luôn rộng mở cho các cuộc đàm phán. “Họ đã đưa ra giọng điệu thận trọng, yêu cầu Hoa Kỳ 'thể hiện sự chân thành' nếu họ muốn đàm phán thương mại”, Matt Simpson - Nhà phân tích thị trường cấp cao tại City Index cho biết.
Theo các nhà phân tích, tâm lý nhà đầu tư đã tăng lên sau thông tin này, đúng vào lúc thị ttrường đang vật lộn với các chính sách thuế quan thất thường của Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mạnh mẽ. Dữ liệu công bố trước đó cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đã suy giảm lần đầu tiên sau 3 năm trong quý đầu năm, trong khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng vào tháng 4.
Kỳ vọng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ dịu bớt đã giúp chứng khoán tương lai của Mỹ đảo ngược mức giảm trước đó sau khi Apple cắt giảm chương trình mua lại cổ phiếu và cảnh báo thuế quan có thể làm tăng thêm khoảng 900 triệu USD chi phí trong quý này. Theo đó, S&P 500 tương lai tăng 0,6%; trong khi Nasdaq tương lai tăng 0,3%.
Chứng khoán châu Á cũng tăng điểm với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1% do đồng yên yếu hơn và cổ phiếu Đài Loan tăng 2%. Chỉ số MSCI về cổ phiếu Châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản tăng 0,4%.
Tuy nhiên các nhà phân tích vẫn cảnh báo về một triển vọng bất định của thị trường chứng khoán toàn cầu do sự thất trường trong chính sách thương mại của chính quyền ông Trump và đến nay vẫn thiếu các thông tin rõ ràng về các kết quả đàm phán thương mại, đặc biệt là hiện hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có bất kỳ một cuộc đàm phán nào.
Joseph Capurso, giám đốc kinh tế quốc tế và bền vững tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, cho biết tác động chính của thuế quan đối với nền kinh tế sẽ được cảm nhận khi giá tiêu dùng tăng. "Suy thoái kinh tế có khả năng xảy ra nếu giá cả tăng khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và các doanh nghiệp cắt giảm lực lượng lao động và cắt giảm chi tiêu vốn. Mặc dù suy thoái kinh tế không phải là kịch bản cơ bản của chúng tôi, nhưng năm nay sẽ rất khó khăn".
Mùa báo cáo thu nhập cho đến nay đã nhấn mạnh đến những tác động tiêu cực của chính sách thương mại thất thường của Mỹ khi nhiều công ty cắt giảm hoặc rút dự báo lợi nhuận của họ.
Trên thị trường tiền tệ, đồng yên Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 10/4 vào thứ Sáu, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên lãi suất và hạ dự báo tăng trưởng do thuế quan của Mỹ.
Fred Neumann - Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á tại HSBC cho biết, tác động của sự bất ổn về thuế quan đối với nền kinh tế toàn cầu có thể gây ra những thách thức gián tiếp đối với tăng trưởng ở Nhật Bản. "BOJ đang để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm nữa, nhưng tại thời điểm này, cánh cửa chỉ hé mở một chút", ông nói.
Điều đó khiến đồng đô la Mỹ hướng đến tuần tăng giá mạnh nhất kể từ cuối tháng 2. Chỉ số USD Index - Thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - hiện đang xoay quanh ngưỡng 100,1.
Một cuộc khảo sát của Reuters đối với các nhà kinh tế cho thấy, kinh tế Mỹ có khả năng tạo thêm 130.000 việc làm mới trong tháng 4 sau khi tăng 228.000 việc làm vào tháng 3.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu tăng vọt sau khi Trump đe dọa trừng phạt thứ cấp đối với Iran. Theo đó giá dầu thô Brent tương lai tăng 0,56% trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tương lai của Mỹ tăng 0,6%.
Giá vàng giảm xuống còn 3.234,9 USD/oz, hướng đến tuần giảm giá mạnh nhất trong hai tháng do nhu cầu trú ẩn an toàn chậm lại.
Hà Vy