Chứng khoán 'chạy nước rút' cho các mục tiêu lớn

Chứng khoán 'chạy nước rút' cho các mục tiêu lớn
4 giờ trướcBài gốc
Loạt cột mốc quan trọng
“Mục tiêu nâng hạng phải được thực hiện và đạt kết quả trong năm nay. Đây là nhiệm vụ không thể trì hoãn, không thể để lỡ, là bước tiến mới của thị trường để thu hút nhiều tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài”, yêu cầu và quyết tâm mạnh mẽ này là điều mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đặc biệt nhấn mạnh và giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán tại buổi lễ đánh cồng khai trương đầu xuân 2025 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hôm mùng 6 Tết (5/2) vừa qua.
Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 chỉ rõ, phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025. Trong năm 2024, Thông tư 68/2024/TT-BTC đánh dấu bước tiến quan trọng, tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý, đáp ứng tiêu chí về nâng hạng của FTSE Russell.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thực tiễn triển khai nghiệp vụ giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cho thấy sự thuận lợi, đáp ứng nhu cầu giao dịch và đảm bảo sự an toàn, thông suốt từ các thành viên thị trường, các bên liên quan. Cùng với đó, Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2025 bổ sung nhiều quy định để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường.
Trong kịch bản tốt nhất, khi các bước đi trong lộ trình tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam suôn sẻ, các chuyên gia kỳ vọng sẽ có những đánh giá tích cực từ FTSE trong báo cáo phân loại thị trường chứng khoán phát hành tháng 3/2025 và có thể chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025, sau tròn 7 năm nằm ở danh sách xem xét nâng hạng.
Năm 2025 không chỉ có cột mốc cho mục tiêu nâng hạng thị trường. Ngày 1/7/2025 là thời điểm bắt đầu thực hiện lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác.
Theo đó, từ thời điểm trên, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ không còn tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu mới của tổ chức, thay vào đó là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Đồng thời, HoSE hoàn thành việc tiếp nhận cổ phiếu của tổ chức niêm yết từ HNX chậm nhất đến cuối năm 2025 và cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch từ HNX chậm nhất đến cuối năm 2026.
Lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch lần đầu được nêu tại Thông tư 57/2021/TT-NHNN, sau đó phải lùi lại theo Thông tư 69/2023/TT-NHNN khi cột mốc giữa năm 2023 lỡ hẹn. Sau sắp xếp, HoSE là nơi giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm.
Trong khi đó, HNX sẽ là nơi tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp niêm yết; tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cùng giao dịch đối với các hợp đồng chứng khoán phái sinh.
Cùng với đó, HNX sẽ xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước. Đây là nơi giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon, mở ra cách thức mua bán với một loại “hàng hóa” mới và cần thiết.
Cần chạy nước rút
Đối với thị trường carbon trong nước, theo nhiệm vụ được giao, HNX sẽ vận hành sàn theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.
Qua ghi nhận từ các tổ chức quốc tế, trong nước, Việt Nam có nhiều cơ hội để FTSE Russell nâng hạng thị trường theo đúng lộ trình.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Dù thời điểm chính thức vận hành là năm 2029, sàn giao dịch carbon sẽ thí điểm từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028. Sẽ còn nhiều việc cần thực hiện trong gần 5 tháng tới để mô hình sandbox này có thể ra mắt, nhất là khi danh mục phân loại xanh vẫn đang ở trạng thái chờ.
Đối với việc sắp xếp lại thị trường giao dịch chứng khoán, một trong các nguyên nhân khiến lộ trình phải lùi lại tới 2 năm là bởi, đây là công việc phải gắn với việc triển khai vận hành hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới. Cùng với quyết tâm nâng hạng, phía cơ quan quản lý cho biết, hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) đã đi tới bước thử nghiệm cuối cùng và quyết tâm vận hành ngay trong năm nay.
Với mục tiêu nâng hạng thị trường, bà Vũ Thị Chân Phương tin tưởng, Việt Nam có nhiều cơ hội để FTSE Russell nâng hạng theo đúng lộ trình. Dù việc nâng hạng thị trường phụ thuộc vào đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục làm việc với bộ, ngành liên quan để phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của khối ngoại.
Công tác hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán cũng là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc tích hợp IPO và niêm yết với các quy trình được rút ngắn ở Nghị định sửa đổi có thể hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động lên sàn của các doanh nghiệp.
Cùng với nỗ lực “chạy nước rút” từ cơ quan quản lý, thị trường cần sự chung sức của các thành viên để “làm nên tiếng vỗ”. Nhiều “tân binh” chào sàn hoặc chuyển từ UPCoM trong năm mới như Lọc hóa dầu Bình Sơn hay Vinpearl, Masan Consumer sẽ là “hàng hóa” chất lượng cao, tạo làn gió mới cho thị trường.
Thanh Thủy
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/chung-khoan-chay-nuoc-rut-cho-cac-muc-tieu-lon-d245018.html