Năm 2025, Chính phủ phấn đấu kinh tế tăng trưởng 8%, với kế hoạch chi tiêu 790.727 tỷ đồng cho đầu tư công
Kinh tế toàn cầu năm 2024: Sáng tối đan xen
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ước đạt 3,2%, tương đương năm 2023. Mỹ tiếp tục dẫn đầu với thị trường việc làm mở rộng mạnh mẽ trong quý II - III/2024, nhờ tiêu dùng nội địa tăng trưởng ổn định, niềm tin tiêu dùng trở lại trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và lãi suất bắt đầu hạ.
Ngược lại, châu Âu trải qua một năm ảm đạm khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 0,3%, do sự suy yếu của Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực. Tăng trưởng tại đây chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực dịch vụ, trong khi sản xuất công nghiệp thu hẹp hầu hết các tháng trong năm.
Tại châu Á, Trung Quốc được dự báo không đạt mục tiêu tăng trưởng 5% năm 2024, khi số liệu quý II và III thấp hơn kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêu dùng nội địa yếu và các nỗ lực vực dậy ngành bất động sản chưa mang lại hiệu quả rõ rệt, dù Chính phủ triển khai nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích kinh tế.
Nhóm các quốc gia đang phát triển và mới nổi tại châu Á được đánh giá là khu vực có tăng trưởng kinh tế cao nhất năm 2024, ước đạt 5,3%.
Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn dự kiến, buộc các ngân hàng trung ương phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18 - 19/12/2024, Chủ tịch Fed ám chỉ rằng, cơ quan này sẽ có hai đợt giảm lãi suất trong năm 2025, tức giảm một nửa số đợt hạ lãi suất so với dự báo 3 tháng trước đó. Việc này hạn chế khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nghĩa với hỗ trợ ít hơn cho quá trình phục hồi kinh tế.
Ẩn số cuộc chiến thương mại thời “Trump 2.0”
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với lập trường bảo hộ kinh tế trong nước được dự báo sẽ định hình lại cục diện thương mại toàn cầu khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sớm quay trở lại. Hiện tại, mức độ căng thẳng của cuộc chiến là chưa thể ước lượng, nhưng nhiều tổ chức kinh tế đang thiên về kịch bản Mỹ áp thuế 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới phát hành tháng 10/2024 của IMF, Mỹ, Trung Quốc và EU có thể sẽ cùng áp mức thuế quan 10% lên mọi dòng chảy thương mại trong 3 khu vực như những hành động trả đũa qua lại. Điều này sẽ tác động trực tiếp lên một phần tư tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
IMF ước tính, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm 0,4 - 0,6% trong kịch bản áp thuế 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu. Trong khi đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ mất tới 1% tăng trưởng do các chính sách bảo hộ của Mỹ.
Kinh tế Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới
Kinh tế Việt Nam năm 2024 ước tính tăng trưởng 8%, vượt qua dự báo của các tổ chức kinh tế lớn như IMF, WB, ADB.
Năm 2025, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% và phấn đấu đạt 8%. Để góp phần thúc đẩy kinh tế đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ đặt kế hoạch chi tiêu 790.727 tỷ đồng cho đầu tư công, tăng hơn 18% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 8,8%, tập trung giải ngân cho các dự án hạ tầng trọng điểm như Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Sân bay Long Thành.
Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm tăng tỷ lệ giải ngân trong năm 2025, hạn chế tình trạng vốn chờ dự án, nỗ lực tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải ngân để hoạt động đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi của nền kinh tế, thu hút và thúc đẩy hoạt động đầu tư tư nhân. Đồng thời, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ giúp tăng kết nối vùng và tạo động lực tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các địa phương, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung trong dài hạn.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu có thể kỳ vọng thuận lợi trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bị đẩy lên mức độ cao hơn so với năm 2018, vì Việt Nam không phải mục tiêu trực tiếp của các chính sách thuế quan thời kỳ “Trump 2.0”. Việc áp thuế chung cho tất cả sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ khiến sức cạnh tranh tương đối của Việt Nam ít bị ảnh hưởng, thậm chí có thể kỳ vọng một số nhóm hàng hóa cạnh tranh với Trung Quốc có thể được hưởng lợi, nếu Trung Quốc bị áp thuế lên tới 60%. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 của Việt Nam có thể duy trì ở mức hai con số, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục mở rộng, tăng quy mô.
Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ năm 2023 nên có thể rơi vào tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump, nếu thặng dư thương mại tăng mạnh. Tuy nhiên, điều này có thể được giải quyết bằng cách tăng nhập khẩu các sản phẩm có giá trị cao như khí hóa lỏng (LNG) và động cơ máy bay từ Mỹ. Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Việt Nam hiện nay khá linh hoạt và thu hút nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu.
Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán, thu hút dòng vốn ngoại
Theo dự báo của WB, nếu được nâng hạng bởi FTSE Russell và MSCI vào năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho đến năm 2030.
Năm 2025, bên cạnh sự phục hồi của nền kinh tế đóng vai trò bệ đỡ, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất.
Trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024, bỏ yêu cầu phải có đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch mua của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đồng thời đưa ra lộ trình các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh. Thông tư 68/2024/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 2/11/2024, như vậy, việc nâng hạng thị trường được kỳ vọng diễn ra tại kỳ đánh giá tiếp theo trong năm 2025. Dự kiến, FTSE Russell sẽ đưa Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi vào tháng 9/2025, trong khi MSCI có thể thực hiện đánh giá tương tự một năm sau đó.
Theo dự báo của WB, nếu được nâng hạng bởi FTSE Russell và MSCI vào năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho đến năm 2030, thông qua cả dòng vốn thụ động và chủ động. Đối với các quỹ đầu tư thụ động như ETF (vốn đang đầu tư vào các thị trường mới nổi), tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam có thể chiếm 0,7 - 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell, giá trị dòng vốn thụ động ước tính chảy vào Việt Nam ước đạt 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, dòng vốn từ các quỹ đầu tư chủ động dự kiến sẽ tăng 4 - 5 lần so với hiện tại, khi Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng và an toàn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Những biến số cần lưu ý
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 có triển vọng tăng trưởng, nhưng có thể phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn, gây ra những biến động lớn.
Thứ nhất, các chính sách thương mại và thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào tầm ngắm đánh thuế do quy mô thâm hụt thương mại cao với Mỹ
Thứ hai, đồng USD dự kiến mạnh lên dưới thời “Trump 2.0” sẽ khiến vấn đề tỷ giá trở nên nóng hơn trong năm 2025.
Thứ ba, lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2025 sau khi đã được gia hạn nhờ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, lên đến 250.000 tỷ đồng, với khoảng 40% từ lĩnh vực bất động sản. Rủi ro chậm trả nợ gốc của các doanh nghiệp sau khi kết thúc thời gian gia hạn tái cơ cấu nợ có thể làm gia tăng rủi ro tài chính.
Tuy năm 2025 được kỳ vọng sẽ là năm tăng trưởng mạnh của Việt Nam, nhưng các yếu tố bất định nêu trên có thể dẫn đến những biến động bất thường trên thị trường chứng khoán, đòi hỏi các nhà đầu tư cần chuẩn bị kỹ các kịch bản dự phòng và bám sát diễn biến trên thị trường để kịp thời ứng phó với mọi biến động.
Trần Anh Tuấn / Giám đốc trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)