Việc Mỹ bất ngờ công bố mức thuế quan đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý nhà đầu tư, gây ra làn sóng bán tháo trên diện rộng và đẩy chỉ số VN-Index lao dốc không phanh. (Ảnh: TTXVN)
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch lịch sử với những biến động dữ dội, được giới phân tích ví như một sự kiện "Thiên nga đen."
Việc Mỹ bất ngờ công bố mức thuế quan đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý nhà đầu tư, gây ra làn sóng bán tháo trên diện rộng và đẩy chỉ số VN-Index lao dốc không phanh.
Cơn địa chấn từ thuế quan
Quyết định áp thuế quan đối ứng của Mỹ được công bố vào ngày 2/4 ngay lập tức tạo ra một cú sốc lớn khi vượt ngoài dự báo thông thường của thị trường. Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định việc áp thuế ở mức cao bất ngờ được xem như là một sự kiện "Thiên nga đen" đối với nền kinh tế cũng như thị trường tài chính, dẫn đến áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một tuần giao dịch giảm điểm mạnh mẽ với thanh khoản cao chưa từng có. Ông Nhật cho biết trong tuần VN-Index giảm mạnh từ vùng giá 1.325 điểm về vùng giá 1.160 điểm với hai phiên khối lượng giao dịch cao nhất lịch sử, sau đó phục hồi lấy lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 8,11% và về mức 1.210,67 điểm. Bên cạnh đó, VN30 giảm 6,80% và về mức 1.280,52 điểm.
Sự hoảng loạn không chỉ thể hiện qua điểm số mà còn qua độ rộng thị trường. Cụ thể, áp lực bán tháo lan tỏa trên hầu hết các nhóm ngành, cộng hưởng với áp lực giải chấp (margin) ở một số tài khoản đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
"Độ rộng thị trường là tiêu cực trước áp lực bảo vệ tài sản và các hoạt động giải chấp. Tất cả các nhóm ngành đều giảm điểm mạnh trong tuần này với thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử," ông Nhật nhấn mạnh.
Điểm sáng hiếm hoi xuất hiện vào phiên cuối tuần khi lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp thị trường hồi phục đáng kể từ mức đáy trong phiên.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ghi nhận chỉ số chung hồi phục mạnh kể từ giữa đợt giao dịch buổi sáng (cao hơn 52 điểm so với mức thấp nhất cả phiên) nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu VN30. Đây được đánh giá là lực cầu đảo hàng giá vốn và bắt đáy sau phiên giảm điểm kỷ lục của ngày hôm qua. Tuy nhiên, sự phục hồi này chưa đủ sức lan tỏa khi thị trường vẫn còn hàng trăm mã giảm sàn và giảm điểm.
Thanh khoản thị trường trong tuần đạt mức kỷ lục, điều này thể hiện sự hoảng loạn nhưng bên cạnh đó dòng tiền bắt đáy cũng nhập cuộc. Theo ông Nhật, thanh khoản thị trường tăng mạnh với khối lượng giao dịch trên HoSE hơn 5,6 tỷ cổ phiếu. Nhóm phân tích của VCBS chỉ ra thanh khoản hai phiên cuối tuần đạt ngưỡng quanh 40 nghìn tỷ đồng/phiên.
Đáng chú ý, áp lực bán ròng từ khối ngoại tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, tạo thêm gánh nặng cho thị trường. Ông Nhật thông tin trong quý 1, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 25.928,5 tỷ đồng trên sàn HoSE và tiếp tục bán ròng mạnh 6.522,3 tỷ đồng trong tuần đầu quí 2.
Trên thị trường phái sinh, diễn biến cũng không kém phần tiêu cực. Ông Nhật cho biết hợp đồng tương lai VN30F2504 giảm mạnh 7,14% so với tuần trước, đóng cửa ở mức 1.267,1 điểm, tạo ra chênh lệch âm đáng kể (-13,42 điểm) so với chỉ số cơ sở VN30. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng xu hướng ngắn hạn của VN30F2504 đã phục hồi trở lại trên vùng hỗ trợ 1.260 điểm sau khi giảm mạnh về 1.203 điểm và khối lượng mở (OI) gia tăng cho thấy xu hướng đầu cơ, nắm giữ gia tăng trở lại.
Nỗ lực hồi phục sau cú rơi tự do
Sau những phiên giảm điểm dữ dội, các chỉ báo kỹ thuật đang phát đi những tín hiệu trái chiều. Nhóm phân tích VCBS đưa ra những đánh giá chi tiết ở khung đồ thị giờ xuất hiện chỉ báo hồi phục trở lại cùng với nhiều “cây nến xanh” tăng biên độ cao vào cuối phiên, thể hiện đà giảm của thị trường đã chững lại. Bên cạnh đó, chỉ báo dòng tiền đạt giá trị dương, điều này cho thấy lực cầu chủ động đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng thị trường tiếp tục hồi phục kỹ thuật trong ngắn hạn.
Ở khung đồ thị ngày, VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần bằng một "cây nến marubozu xanh”(bên mua đang áp đảo thị trường trong đó giá cao nhất trùng với giá đóng cửa, giá thấp nhất trùng với giá mở cửa) với biên độ 50 điểm cùng khối lượng giao dịch tăng mạnh thể hiện dòng tiền đang quay trở lại hấp thụ lực cung trên thị trường
Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý khoảng trống giá mở ra từ đầu phiên vẫn còn 20 điểm chưa lấp thành công, điều cho thấy áp lực bán vẫn còn tiềm ẩn. Dựa trên các tín hiệu này, VCBS kỳ vọng kịch bản hồi phục kỹ thuật được kỳ vọng sẽ tiếp tục vào phiên sau kỳ nghỉ lễ.
Ông Phan Tấn Nhật (SHS) lại có cái nhìn thận trọng hơn về xu hướng ngắn hạn. Ông cho rằng mặc dù VN-Index đã phục hồi từ vùng 1.160 điểm (vùng giá thấp nhất tháng 4/2024) và vẫn duy trì được xu hướng tăng trưởng dài hạn tính từ 4/2020 đến nay nhưng xu hướng ngắn hạn VN-Index đang suy giảm dưới vùng kháng cự 1.250 điểm với áp lực giải chấp dư nợ ký quỹ vẫn hiện hữu. Ông Nhật nhấn mạnh rằng cú sốc thuế quan là áp lực lớn và bất ngờ. Hơn nữa, điều này vẫn có thể tiếp tục dẫn đến áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ trong những phiên tới đây.
Cú sốc thuế quan với tác động đa chiều
Cú sốc thuế quan từ Mỹ không chỉ tác động mạnh đến thị trường Việt Nam mà còn gây ra những xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, chỉ rõ việc Mỹ công bố thuế quan đối ứng đã gây ra một đợt bán tháo đáng kể trên thị trường. Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua một đợt bán tháo đồng loạt, phản ánh tâm lý e ngại rủi ro gia tăng.
Ông Hinh dẫn chứng sự sụt giảm của các chỉ số lớn, như S&P 500, Nikkei 225, Hang Seng ghi nhận mức giảm từ 2% đến 4% và đặc biệt là cú lao dốc gần 7% của VN-Index với mức giảm trong ngày mạnh nhất lịch sử. Sự bất ổn cũng lan sang các thị trường khác. Trên thị trường hàng hóa, vàng (XAU/USD) tăng vọt lên mức kỷ lục 3.169 USD/oz, được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế leo thang. Đồng USD suy yếu với chỉ số DXY giảm xuống 101,9 (tính đến tối ngày 3/4), mức thấp nhất kể từ tháng 10/2024. Điều này đã khuếch đại xu hướng lo ngại về tác động tiềm ẩn của thuế quan đối với tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu cũng chứng kiến biến động đáng chú ý với lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần là 4,08% (chiều ngày 3/4).
Đối với Việt Nam, ông Hinh cảnh báo xung đột thương mại kéo dài có thể làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, dẫn đến phí bảo hiểm rủi ro cao hơn và chiết khấu tài sản lớn hơn.
Ông Hinh và nhóm phân tích VNDIRECT đã có những đánh giá sơ bộ tác động của thuế quan sẽ không đồng đều giữa các ngành. Trong đó, các ngành dễ bị tổn thương với định hướng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn sang thị trường Mỹ (như thủy sản, gỗ, và bất động sản công nghiệp… do ảnh hưởng đến dòng vốn FDI phục vụ sản xuất xuất khẩu). Bên cạnh đó, các ngành ít bị ảnh hưởng trực tiếp là hạ tầng giao thông, ống nhựa, và phân bón được dự báo chịu tác động trực tiếp tối thiểu.
Tuy nhiên, ông Hinh lưu ý các biện pháp kích thích của Chính phủ, bao gồm tăng cường đầu tư công và chính sách tiền tệ nới lỏng... có thể giảm thiểu một phần tác động tiêu cực lên nền kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh thị trường đầy biến động và thông tin về đàm phán thương mại Việt-Mỹ chưa ngã ngũ, các chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro và đưa ra những khuyến nghị hành động thận trọng.
(Vietnam+)