Tính từ vùng đáy vào đầu tháng 4 đến nay, VN-Index đã tăng tới 30% và nếu tính từ đầu năm, mức tăng cũng đạt khoảng 14%. Hiện tại, chỉ số đã tiến sát vùng đỉnh lịch sử 1.528 điểm, tạo ra tâm lý tích cực.
Vẫn còn một số rủi ro
Đáng chú ý, khối nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng từ đầu tháng 7 đến nay, trong khi trước đó - trong 6 tháng đầu năm, khối này đã bán ròng hơn 39.836 tỷ đồng.
Hoạt động mua ròng diễn ra rất quyết liệt, với lực mua trung bình khoảng 1.300 tỷ đồng/phiên, đóng góp khá lớn vào đà tăng của VN-Index.
Bên cạnh những kỳ vọng tích cực vẫn còn một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Dù chưa thể khẳng định chắc chắn về một chu kỳ mua ròng dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài đang diễn ra, nhưng theo giới phân tích, tín hiệu khối ngoại quay lại mua ròng mạnh là một bước khởi đầu đáng chú ý cho sự đi lên của thị trường chứng khoán (TTCK).
Thực tế, trong bối cảnh mặt bằng định giá cổ phiếu vẫn còn hấp dẫn, việc các quỹ ngoại đẩy mạnh giải ngân không chỉ góp phần củng cố niềm tin thị trường, mà còn có thể kích hoạt một đợt tăng giá đáng kể ở nhóm vốn hóa lớn - nhóm thường dẫn dắt xu hướng chỉ số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng tích cực, nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Trước hết, thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ hiện mới chỉ dừng ở mức khung sơ bộ. Các điều khoản chi tiết, đặc biệt liên quan đến quy tắc xuất xứ và kiểm soát hàng trung chuyển vẫn cần được cụ thể hóa. Vấn đề này ảnh hưởng tới mức thuế mà Việt Nam có thể phải chịu và sự chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các đối tác.
Bên cạnh đó, triển vọng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa chắc chắn. Nếu Fed duy trì mức lãi suất cao lâu hơn dự kiến sẽ khiến tỷ giá trong nước biến động mạnh hơn. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ gặp nhiều hạn chế hơn trong việc duy trì chính sách lãi suất thấp, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định môi trường đầu tư.
Ngoài ra, quá trình nâng hạng TTCK vẫn đối mặt với một số điểm nghẽn. Dù hệ thống KRX đã được triển khai, nhưng các vướng mắc về room ngoại, giao dịch T+0 hay thủ tục cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong trường hợp xấu, FTSE Russell có thể cần thêm thời gian để đánh giá và việc nâng hạng có thể bị hoãn tới kỳ tháng 3/2026, cũng tác động tới tâm lý thị trường.
Kỳ vọng về "sức hút" nâng hạng
Dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Chứng khoán Dầu khí (PSI) vẫn kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng trở lại, đặc biệt khi kế hoạch nâng hạng thị trường được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.
Trong đó, việc khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX là một bước tiến lớn, nâng cao vị thế thị trường trong mắt các tổ chức xếp hạng quốc tế. Ngoài ra, định giá P/E toàn thị trường vẫn ở dưới mức trung bình 5 năm, đồng thời thấp hơn so với một số thị trường trong khu vực, đồng nghĩa định giá thị trường vẫn còn tương đối hấp dẫn. Thêm vào đó, sự ổn định về địa chính trị và định hướng chính sách kinh tế rõ ràng của Việt Nam đang củng cố niềm tin với nhà đầu tư ngoại, nhất là khi rủi ro thuế quan và chiến tranh thương mại dần lắng xuống.
Tại Hội thảo “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng TTCK” ngày 17/7, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, đến thời điểm này, có thể nói rằng Việt Nam đã đáp ứng gần hết. Song, việc được nâng hạng hay không phụ thuộc nhiều vào đánh giá, trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài. Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng nhiều, hơn 13.000 tỷ trong nửa đầu tháng 7.
Ông Hải cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài và họ có đánh giá tích cực với cải cách, nỗ lực của Chính phủ. Ví dụ như áp dụng cơ chế NPF (Non – Prefunding) cho nhà đầu tư nước ngoài giúp tăng số lượng giao dịch. Đã có hàng trăm nghìn giao dịch NPF (giao dịch không cần ký quỹ), số lượng NPF chiếm hơn 50% lệnh mua của khối ngoại hiện nay. Đối với cơ chế xử lý giao dịch thất bại, trong hàng trăm nghìn giao dịch NPF thực hiện, chỉ một vài giao dịch thất bại và đều có cơ chế xử lý ổn thỏa. Do vậy, kỳ vọng nâng hạng khá lớn.
Theo nhiều thống kê, dòng vốn ngoại thường đến sớm trước thời điểm nâng hạng khoảng 4-5 tháng. Nếu lộ trình diễn ra đúng kỳ vọng, TTCK Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng vào cuối năm nay. Như vậy, giai đoạn này có thể xem là "thời điểm vàng" để dòng vốn ngoại đón đầu "sóng" nâng hạng.
Với quy mô lớn, có thể lên đến hàng nghìn tỷ mỗi phiên, dòng tiền từ khối ngoại nhiều khả năng sẽ tìm đến các cổ phiếu vốn hóa lớn và còn room ngoại. Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), hiện tại còn rất nhiều cổ phiếu vốn hóa tỷ USD còn room ngoại, như VCB, VIC, VHM, BID, FPT, HPG, VNM, MSN, SSI…
Cần phải lưu ý rằng, nhiều cổ phiếu trong danh sách trên có room ngoại thực tế thấp hơn nhiều do lượng lớn cổ phiếu đang nằm trong tay cổ đông nhà nước chi phối, cổ đông chiến lược, cổ đông nội bộ và người có liên quan.
Theo một báo cáo hồi đầu năm của Chứng khoán SHS, trường hợp thị trường hoặc cổ phiếu có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (tỷ lệ FOL), FTSE sẽ tính toán tỷ lệ cổ phiếu có thể đầu tư dựa trên giá trị nhỏ hơn giữa tỷ lệ free float và tỷ lệ FOL đó. Ngoài ra, một cổ phiếu phải còn ít nhất 20% dư địa sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài so với giới hạn FOL mới đủ tiêu chuẩn vào chỉ số.
Tương tự, báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI cũng chỉ ra những tiêu chuẩn của FTSE đối với các cổ phiếu có thể lọt vào danh sách đầu tư, đón "sóng" từ các quỹ ngoại, bao gồm: Vốn hóa thị trường tối thiểu 150 triệu USD, tính theo vốn hóa điều chỉnh theo free float; tỷ lệ free float tối thiểu 5%; room ngoại còn trống tối thiểu 20%; khối lượng giao dịch trung bình phải đạt ít nhất 0,05% tổng số cổ phiếu lưu hành trong 10/12 tháng trước kỳ đánh giá…
Theo đánh giá của SSI, các cổ phiếu dự kiến hưởng lợi từ việc nâng hạng, gồm: VIC, VHM, VNM, HPG, VCB, SSI, MSN, VPL, VRE, VND, VIX, VCI, SHB, MCH, GEX. Trong danh sách này, có 4 mã thuộc nhóm Vingroup, các cổ phiếu đầu ngành thép, bán lẻ - tiêu dùng, 4 công ty chứng khoán và chỉ có 2 mã ngành ngân hàng.
Hải Giang