Chứng khoán đang nhạy với thông tin thuế quan, nhà đầu tư nên làm gì khi VN-Index lại vượt 1.300 điểm?

Chứng khoán đang nhạy với thông tin thuế quan, nhà đầu tư nên làm gì khi VN-Index lại vượt 1.300 điểm?
13 giờ trướcBài gốc
Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, VN-Index đang có diễn biến đồng pha với thông tin thuế quan. Trong chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 19/5, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã có thêm những quan điểm về vấn đề này.
Ông thấy sao về việc nhà đầu tư bớt lo ngại trước tin tức thuế quan?
Thứ nhất, sau khi ông Trump và Trung Quốc đã đưa ra thỏa thuận “hòa hoãn”, với mức thuế lên Trung Quốc giảm về 30%, thì nhà đầu tư đánh giá rằng kịch bản xấu nhất với Việt Nam cũng chỉ là gần 30%, khá sát với kỳ vọng của thị trường (từ 22 – 26%).
Đây cũng là kịch bản đã được kỳ vọng từ đầu năm, trước khi ông Trump áp mức thuế 46%. Hiện tại, thị trường đã sẵn cho kịch bản thuế quan khoảng hơn 20%.
Thứ hai, thị trường vẫn còn chút lo ngại về khả năng thuế quan sẽ khác, do đó xuất hiện những biến động sideway (đi ngang). Nhà đầu tư của tôi chỉ giải ngân khoảng 70% và dành 30% cho tình huống xấu nhất để mua vào khi thị trường điều chỉnh.
Chuyên gia đánh giá thế nào về phát biểu không đàm phán riêng lẻ thuế quan với từng quốc gia của Tổng thống Trump?
Khi ông Trump đưa ra tuyên bố trên, Mỹ đã đàm phán với 18 quốc gia - những đối tác thương mại quan trọng, ảnh hưởng tới thâm hụt của Mỹ, trong đó bao gồm Việt Nam.
Thông qua việc đàm phán trên, ông Trump đã có bức tranh tương đối đầy đủ về thuế quan sẽ áp. Tôi cho rằng Mỹ sẽ có 3 mức thuế áp lên các đối tác. Thứ nhất, với đồng minh thương mại, không có thâm hụt lớn, thuế quan sẽ là 10%. Thứ hai, những quốc gia như Trung Quốc sẽ chịu thuế 30%, còn đa số còn lại, chẳng hạn như Việt Nam sẽ trong khoảng 20 – 30%.
Khi ông Trump tuyên bố như vậy, tôi lại thấy mừng vì những câu chuyện bất ổn do thuế quan gây ra sẽ kết thúc. Trong vòng 2 – 3 tuần nữa sẽ có mức thuế quan cuối cùng, thị trường sẽ có điều chỉnh lại. Với con số thuế quan dự kiến từ 10 – 30%, mức điều chỉnh sẽ không tiêu cực như giai đoạn tháng 4.
Những lĩnh vực mà Việt Nam không xuất nhiều sang Mỹ như ô tô, thép, chip AI có thể là những ngành mà ông Trump muốn sản xuất tại Mỹ. Những ngành còn lại, chẳng hạn như sản xuất cá tra, dệt may … sẽ không trở lại Mỹ. Tổng thống Trump sẽ tập trung vào những ngành quan trọng nhằm giúp cho người Mỹ tiếp tục có việc làm.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có phiên đàm phán cấp bộ trưởng với Mỹ. Ông đánh giá thế nào về phiên đàm phán này?
Tôi đánh giá tích cực như thông tin báo chí đưa ra. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có thể chấp nhận được mức thuế quan hơn 20%, không chịu ảnh hưởng quá nhiều. Trong năm nay, Việt Nam có những bệ đỡ như nợ công thấp, tăng trưởng tín dụng tốt, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn … giúp tăng trưởng kinh tế tích cực.
Nhờ thông tin tích cực, thị trường đã quay đầu rất nhanh. Ngày 9/4, thị trường từng nghĩ đến những kịch bản xấu, chẳng hạn như VN-Index về 1.000 điểm. Nhưng sau đó, VN-Index đã tăng, sánh ngang với những đợt hồi phục từ đáy những năm 2009 hay 2022. Đợt hồi phục này khẳng định triển vọng tích cực của VN-Index, không chỉ đối với nhà đầu tư trong nước mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài – những người bán ròng 6 tỷ USD trong hai năm qua và nhà đầu tư có quan điểm bearish (tiêu cực).
Nhà đầu tư cần thận trọng về điều gì trong năm 2025?
Nhà đầu tư cần quan sát thuế quan trong từ 2 – 3 tuần tới. Khi câu chuyện thuế quan đã qua, thị trường sẽ lại tích cực. Nếu kỳ vọng thuế quan không ảnh hưởng nhiều đến bức tranh kinh tế thì nhà đầu tư có thể sử dụng nhịp điều chỉnh này để mua vào cổ phiếu không bị tác động bởi thuế quan, chẳng hạn như nhóm ngân hàng với định giá rẻ.
Chuyên gia hãy phân tích về hướng đi tiếp theo của cuộc chiến thương mại?
Quan điểm tôi chia sẻ ngày hôm nay đến từ nhà quản lý quỹ huyền thoại Ray Dalio. Quan điểm này giải thích vì sao Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực tiếp tục có triển vọng tích cực, trong khi Mỹ sẽ gặp khó khăn, bất chấp những nỗ lực của ông Trump.
Theo ông Ray Dalio, tăng trưởng kinh tế là nền tảng của tăng trưởng thị trường chứng khoán. Có ba yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng năng suất dài hạn (phụ thuộc vào dân số, dân trí, đổi mới), chiếm 60 – 70% cỗ máy kinh tế; chu kỳ nợ ngắn hạn (vay hoặc siết nợ để tăng trưởng); chu kỳ nợ dài hạn.
Với nước Mỹ, tăng trưởng dựa vào lao động đóng góp thấp do dân số già và đã tăng trưởng rất lâu. Do đó, chính phủ Mỹ liên tục phải vay nợ. Mỹ có đồng tiền dự trữ quốc tế nên có thể thoải mái vay nợ. Mỗi năm, Mỹ thâm hụt ngân sách 7 – 8% và ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, sẽ có lúc mô hình này đổ vỡ.
Vừa ngày 18/5, Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Mỹ do vay nợ quá mức. Hiện nay, Mỹ chỉ có 13.000 tỷ USD lưu hành, nhưng đang nợ 100.000 tỷ USD và đã đến lúc phải xử lý. Cách xử lý của ông Trump là thu hẹp thâm hụt ngân sách bằng giảm thâm hụt thương mại.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số VPBankS
Hiện nay, người Mỹ đang sống bằng tiền của chính phủ. Mỗi năm, chính phủ Mỹ in ra khoảng 7 – 8% GDP, và dùng tiền này để mua hàng hóa nước ngoài. Trong khi đó, các nước khác tìm cách xuất khẩu vào Mỹ để có tiền, và dùng đồng tiền này để mua vào tài sản của Mỹ. Xu hướng này khiến trong 10 – 15 năm vừa qua, người dân giàu lên nhưng chính phủ Mỹ thâm hụt, còn tài sản do người nước ngoài cầm rất nhiều. Hiện chính phủ nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh … đang sở hữu nhiều trái phiếu của Mỹ.
Tuy nhiên, câu chuyện này sẽ kết thúc và Mỹ cần tìm cách thay đổi. Không chỉ Mỹ, Nhật Bản, Canada, Pháp, Trung Quốc… đều ngập trong vòng xoáy nợ nần. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm ngoài xu thế trên. Tôi rất tích cực về Việt Nam vì mức nợ công chỉ khoảng 34%, tổng nợ của nền kinh tế khoảng 140% GDP, khá tích cực so với phần lớn quốc gia khác.
Ông Ray Dalio đưa ra so sánh giữa Mỹ và Trung Quốc và chỉ ra rằng Trung Quốc có nhiều lợi thế: năng suất sản xuất, văn hóa. Hạn chế duy nhất là cũng đang vay nợ nhiều và phải xử lý. Nhưng với những lợi thế trên, Bắc Kinh có thể đi tới cùng, không nhân nhượng khi đàm phán với Mỹ.
Ngược lại, Mỹ có lợi thế từ đồng USD nhưng lại thua thiệt về năng suất sản xuất, văn hóa, dân số già hóa và nợ cao. Do đó, khi hai nước đối đầu, Trung Quốc lại có lợi thế trong dài hạn. Đó là lý do vì sao Mỹ hạ nhiệt đến mức làm nhiều người phải bất ngờ.
Từ câu chuyện của Mỹ và Trung Quốc, có thể đưa ra một số nhận định về Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Thứ nhất, kịch bản thuế quan cao sẽ không xảy ra và mức thuế 30% sẽ là cao nhất mà Mỹ có thể áp lên đối tác thương mại. Việt Nam rất tích cực đàm phán, nên có thể kỳ vọng mức thuế chỉ hơn 20%.
Thứ hai, khi kịch bản thuế quan xảy ra, sẽ không có sự thay đổi về chuỗi cung ứng. Gần đây, cổ phiếu KCN đã hồi phục lại rất nhanh, bởi lẽ kịch bản chuỗi cung ứng tê liệt, không còn FDI đã được đảo ngược. Có thể FDI không tăng mạnh như thời kỳ Trung Quốc + 1 trong vài năm gần đây, nhưng sức mạnh của nền kinh tế vẫn sẽ thu hút được dòng vốn nước ngoài.
Thứ ba, giai đoạn thị trường cùng lên xuống theo nỗi lo về rủi ro vĩ mô chung đã qua. Hiện nay, định giá thị trường đã không còn rẻ. Nhưng NĐT có thể nhìn ra một số nhóm cổ phiếu để tích lũy, chẳng hạn như ngân hàng, năng lượng, xây dựng hạ tầng, BĐS. Trên cơ sở vĩ mô Việt Nam tốt hơn phần lớn quốc gia trên thế giới nhờ nợ công thấp, gỡ bỏ rào cản, thuế quan không quá xấu, chính sách tiền tệ nới lỏng … và rủi ro hạn chế thì 6 tháng cuối năm sẽ thực sự tích cực. Những NĐT đã trung thành với thị trường trong hai năm khó khăn vừa qua có thể nhận quả ngọt vào năm nay.
Mua vào khi VN-Index đạt 1.300 điểm có lãi hay không?
Giai đoạn của VN-Index từ 2023 đến nay giống với giai đoạn 2014 – 2016. Trong giai đoạn năm 2014 – 16, VN-Index nhiều lần không thể vượt được ngưỡng 550 điểm. Hiện nay, ngoại trừ giai đoạn thuế quan của Tổng thống Trump, về cơ bản chỉ số vẫn dao động trong khoảng từ 1.200 đến 1.300 điểm. Mỗi lần chỉ số vượt đỉnh thì lại điều chỉnh.
Theo kinh nghiệm của tôi, khi đường MA50 giao cắt, vượt lên MA200 thì thị trường sẽ vào xu hướng tăng giá. Sau đợt kiểm nghiệm lại gần đây, MA50 có thể sẽ cắt lại MA200, mở ra xu hướng đi lên.
Tương tự, vào năm 2016, khi thị trường đã quá chán nản VN-Index lại đứng trước một con sóng rất lớn, tăng từ 570 đến 1.200 điểm (hơn 100%). Do đó, tôi kỳ vọng rằng vào lần tới, khi MA50 cắt trên MA200 thì thị trường có thể bứt phá. Nhà đầu tư cần chờ đợi đợt điều chỉnh lần này để kiểm nghiệm giả thuyết trên.
Mai Lan
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-dang-nhay-voi-thong-tin-thue-quan-nha-dau-tu-nen-lam-gi-khi-vn-index-lai-vuot-1300-diem-post560195.html