Theo chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán VPS (VPS), điểm tích cực nhất của thị trường hiện nay là thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao, dòng tiền luân chuyển ổn định và không có nhóm ngành nào gây sức ép tiêu cực. Những yếu tố này mở ra cơ hội cho các đợt sóng lớn. Việc khối ngoại mua ròng gần 400 tỉ đồng sau Tết là dấu hiệu tích cực. Nhiều khả năng VN-Index sẽ chạm mốc 1.300 điểm trong phiên giao dịch tới.
Ngoài ra, từ ngày 20-2, VPS đã nâng giá chặn trần đối với hầu hết mã cổ phiếu. Động thái này giúp nhà đầu tư có thêm sức mua thông qua đòn bẩy tài chính, phản ánh niềm tin của công ty chứng khoán vào tiềm năng tăng giá, tạo động lực để thị trường đi lên.
Trước đó, một số công ty chứng khoán khác cũng đã hỗ trợ nhà đầu tư bằng các gói lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng VIP, khách giao dịch lớn và có thanh khoản tốt.
Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia VPS cho rằng năm 2025 là cột mốc quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2026-2030, hướng đến mức tăng 2 con số. Để đạt được điều này, chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng, với tín dụng dự kiến mở rộng 16%-20% tùy theo tăng trưởng GDP; tiến tới bỏ room tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công cũng ở mức kỷ lục, lên đến 36 tỉ USD, tập trung vào hạ tầng, logistics và năng lượng tái tạo. Chính phủ sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao hơn để thúc đẩy tăng trưởng, đưa thị trường tài sản vào chu kỳ tăng giá mới. So với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán thế giới hay tiền số - đã tăng mạnh trong năm 2024, chứng khoán Việt Nam vẫn được xem là hấp dẫn nhờ mức định giá còn thấp.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), nhận định thị trường đang xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là sau Tết, khi dòng tiền quay lại mạnh mẽ. Nếu loại bỏ các tác động từ thị trường quốc tế, mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 sẽ kéo theo lượng cung tiền dồi dào vào nền kinh tế.
Hiện tại, định giá P/E toàn thị trường chỉ khoảng 13 lần, trong khi nếu GDP tăng 8%, lợi nhuận doanh nghiệp có thể đạt mức tăng trung bình 17%, tạo cơ sở hấp dẫn cho đầu tư. Hơn nữa, giai đoạn tháng 2 - 3 là thời điểm các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, tổ chức đại hội cổ đông và chốt tỉ lệ cổ tức, khiến lực cầu trên thị trường mạnh hơn. Việt Nam cũng đang tích cực thực hiện các bước để nâng hạng thị trường chứng khoán, tạo thêm động lực để VN-Index vượt 1.300 điểm và duy trì trên mức này trong trung hạn.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư đang tích cực hơn nhờ kỳ vọng vào quyết định nâng hạng thị trường vào tháng 3.
Bên cạnh đó, thị trường toàn cầu đã "miễn nhiễm" với chính sách thuế quan của Mỹ, giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Làn sóng thu hút vốn FDI cũng đang gia tăng nhờ các chính sách đầu tư công và quy hoạch điện mới, tạo ra động lực quan trọng thu hút dòng tiền vào chứng khoán.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính - ĐH Kinh tế TP HCM, nhấn mạnh một trong những động lực quan trọng cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán là các dự án đầu tư công quy mô lớn, nhất là đường sắt tốc độ cao, sẽ mang lại lợi ích cho nhiều ngành liên quan. Chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, giúp ngân hàng hưởng lợi và dẫn dắt thị trường chứng khoán đi lên. Trong bối cảnh đó, VN-Index có nhiều khả năng vượt 1.300 điểm.
Sơn Nhung