Chứng khoán: Dòng tiền định vị lại 'cuộc chơi' trước những áp lực thuế quan

Chứng khoán: Dòng tiền định vị lại 'cuộc chơi' trước những áp lực thuế quan
8 giờ trướcBài gốc
VN-Index đang bắt đầu tiếp cận vùng kháng cự lịch sử 1.400 điểm. (Ảnh: Vietnam+)
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch đầu tháng Bảy với nhiều kịch tính. Sự hưng phấn của dòng tiền và đà tăng điểm của VN-Index với những thách thức vĩ mô mang tính bước ngoặt.
Điểm nhấn của thị trường ghi nhận về phiên giao dịch có thanh khoản lên trên 30.000 tỷ đồng đi cùng với đó là thông tin về thỏa thuận thương mại mới giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó, chỉ số chung của thị trường đã bắt đầu tiếp cận vùng kháng cự lịch sử 1.400 điểm.
Khối ngoại bất ngờ mua ròng lớn
Tuần giao dịch đầu tiên của tháng Bảy, thị trường chứng khoán khép lại với sắc xanh bao trùm bảng điện tử. VN-Index đóng cửa một tuần giao dịch tại mức 1.386,97 điểm sau khi có thêm 15,53 điểm (tăng 1,13%). Như vậy, chỉ số đã chính thức hướng đến vùng kháng cự tâm lý mạnh quanh 1.400 điểm. Đây là vùng đỉnh lịch sử thiết lập vào tháng 7/2021.
Tương tự, chỉ số VN30 cũng tăng 0,87% lên mức 1.488,77 điểm, tiệm cận vùng kháng cự 1.500 điểm, mức cao nhất ghi nhận vào tháng 3/2022.
Điểm sáng lớn nhất của thị trường là sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền. Đặc biệt là phiên giao dịch ngày 3/7, thanh khoản trên thị trường được đẩy lên mức rất cao, riêng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đã vượt mốc 1,3 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị 30.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, tín hiệu này cho thấy sự quan tâm của dòng tiền đầu cơ ngắn hạn và sự kỳ vọng của thị trường.
Đáng chú ý là sau một giai đoạn bán ròng kéo dài, các nhà đầu tư nước ngoài đã có một tuần mua ròng đầy ấn tượng. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng với tổng giá trị lên tới 5.167 tỷ đồng trên sàn HoSE. Động thái này không chỉ là cú hích quan trọng về dòng vốn mà còn góp phần củng cố tâm lý cho nhà đầu tư trong nước về tiềm năng của thị trường.
Phân tích về diễn biến của thị trường, ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết sự bùng nổ của thị trường không diễn ra đồng đều trên tất cả các nhóm ngành, mà thể hiện rõ sự luân chuyển và phân hóa của dòng tiền. Tuy nhiên, độ rộng thị trường khá tích cực và duy trì luân chuyển phục hồi.
Nổi bật là ở các nhóm mã cảng biển, chứng khoán, thủy sản, nông nghiệp, công nghệ thông tin, bảo hiểm, ngân hàng... Đặc biệt, nhóm nông nghiệp ( các mã HAG, ANV) ghi nhận diễn biến thu hút dòng tiền ấn tượng trong phiên giao dịch cuối tuần. Ngược lại, một số nhóm ngành thâm dụng xuất khẩu lại chịu áp lực điều chỉnh rõ rệt. “Trong khi chịu áp lực điều chỉnh ở nhóm dệt may, khu công nghiệp... dưới áp lực thuế quan công bố ở mức cao,” ông Nhật nhấn mạnh.
Sự phân hóa này cho thấy dòng tiền đang chủ động tìm kiếm các cơ hội ở những nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro thuế quan hoặc các nhóm có câu chuyện tăng trưởng riêng và chưa tăng giá quá nhiều. Động thái này cho thấy sự định vị lại danh mục từ dòng tiền “thông minh” tìm cách thích ứng với bối cảnh mới.
Đồng tình với đánh giá trên, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng chỉ thêm ra đà tăng của thị trường được dẫn dắt chủ yếu bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (như FPT, HPG) và các mã ngân hàng đầu ngành (VCB, ACB, BID). Lực cầu xuất phát từ các cổ phiếu trụ cột lan tỏa dần ra toàn thị trường, trong đó có cả các nhóm ngành chưa tăng mạnh trong giai đoạn trước (như chứng khoán với các mã VIX, HCM… và bất động sản là DIG, PDR, NVL…).
Tác động đa chiều từ thỏa thuận thương mại
Yếu tố có sức ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý và chiến lược của nhà đầu tư trong dài hạn chính là thỏa thuận thương mại mới với Mỹ. Thông tin về việc Mỹ có thể áp mức thuế suất 20% cho hàng hóa Việt Nam và đặc biệt là 40% đối với hàng hóa trung chuyển từ nước khác đã tạo ra một “làn sóng” thận trọng.
Theo ông Phan Tấn Nhật (SHS), đây là một thách thức lớn, bởi mức thuế 40% với hàng hóa trung chuyển sẽ là áp lực do Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng hiện nay rất phức tạp, nhiều doanh nghiệp nội địa sử dụng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu. Áp lực lên cán cân thương mại, xuất nhập khẩu sẽ rất lớn.
Để vượt lên thách thức này (theo tinh thần nghị quyết 68-NQ/TW 2025), các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân phải giảm được sự phụ thuộc vào hàng xuất xứ bên ngoài. Trong bối cảnh này, ông Nhật cho rằng danh mục đầu tư cần xem xét cơ cấu, gia tăng vào các nhóm ngành, công ty ít chịu ảnh hưởng thuế quan, phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân.
Để vượt lên thách thức này (theo tinh thần nghị quyết 68-NQ/TW 2025), các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân phải giảm được sự phụ thuộc vào hàng xuất xứ bên ngoài. Trong bối cảnh này, ông Nhật cho rằng danh mục đầu tư cần xem xét cơ cấu, gia tăng vào các nhóm ngành, công ty ít chịu ảnh hưởng thuế quan, phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân.
Về phía cơ quan quản lý, trong buổi họp báo thường kỳ ngày 3/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Đoàn đàm phán Việt Nam và Mỹ đang phối hợp trao đổi để cụ thể hóa nội dung thảo luận của Lãnh đạo Cấp cao hai nước. Song song đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo điều hành cũng nhấn mạnh việc kiên định mục tiêu "3 tăng tốc" đồng thời lưu ý những khó khăn, thách thức khi tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, sức ép lên tỷ giá còn cao thêm vào đó mục tiêu tăng trưởng 8% còn rất nhiều khó khăn và áp lực.
Theo đó, các chuyên gia có chung nhận định thị trường chứng khoán đang bước vào một giai đoạn quan trọng với những cơ hội và rủi ro đan xen.
Về mặt kỹ thuật, ông Phan Tấn Nhật cảnh báo xu hướng ngắn hạn VN-Index duy trì tăng trưởng trên vùng hỗ trợ 1.350 điểm. Tuy nhiên, cả VN-Index và VN30 đều đang ở trạng thái quá mua ngắn hạn (trong khi VN-Index, VN30 đang chịu áp lực điều chỉnh ở vùng giá 1.400 điểm và 1.500 điểm). Đây là các vùng kháng cự mạnh, cụ thể là vùng đỉnh lịch sử của năm 2021, 2022
Trong bối cảnh đó, chiến lược đầu tư cần được điều chỉnh một cách linh hoạt và thận trọng. Ông Nhật khuyến nghị các nhà đầu tư cần xem xét cơ cấu lại danh mục, tập trung vào những doanh nghiệp có sức đề kháng tốt trước "cú sốc" thuế quan./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/chung-khoan-dong-tien-dinh-vi-lai-cuoc-choi-truoc-nhung-ap-luc-thue-quan-post1048046.vnp