Tâm trạng lo lắng của các nhà đầu tư đã bắt đầu quay trở lại sau khi Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ vào cuối tuần trước, khiến các tài sản của Mỹ, như trái phiếu Kho bạc hay đồng USD, chịu áp lực bán mạnh.
Câu chuyện “bán tài sản Mỹ” ngày càng lan rộng trước thông tin dự luật thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ được Quốc hội bỏ phiếu vào tuần này và các nhà đầu tư lo ngại rằng dự luật này có thể làm tăng thêm khoảng 3,8 nghìn tỷ USD vào khoản nợ 36 nghìn tỷ USD của Mỹ.
Sự miễn cưỡng của các nhà đầu tư đối với tài sản của Mỹ được thể hiện rõ vào thứ Tư sau khi Bộ Tài chính Mỹ chứng kiến nhu cầu yếu ớt đối với đợt bán 16 tỷ USD trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 20 năm, đã đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 30 năm đã tăng lên cao nhất 1,5 năm vào đầu phiên giao dịch châu Á và hiện vẫn ở mức trên 5%.
Động thái bán tháo trái phiếu đã lan sang thị trường cổ phiếu Mỹ khiến cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư với mức thua lỗ hàng ngày mạnh nhất trong 1 tháng. Cụ thể, chỉ số S&P 500 để mất 95,85 điểm, tương đương giảm 1,61%, xuống 5.844,61 điểm. Trong khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 816,80 điểm, tương đương giảm 1,91%, xuống 41.860,44 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 270,07 điểm, tương đương giảm 1,41%, xuống 18.872,64 điểm.
Điều đó đã gây sức ép lên các thị trường cổ phiếu ở châu Á trong sáng ngày thứ Năm, đẩy chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản giảm 0,5%, mặc dù vẫn gần mức cao nhất trong 7 tháng mà nó đạt được trong phiên trước.
Theo đó, tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,38%; chỉ số vốn hóa nho Kosdaq giảm 0,69%. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,53%. Tuy nhiên chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 0,13%; nhưng chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 0,45%
Còn tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,93% do đồng yên mạnh hơn.
Trên thị trường tiền tệ, tâm lý lo ngại về triển vọng tài chính của Mỹ cũng đẩy đồng USD tiếp tục lao dốc. Hiện chỉ số USD Index – Thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã giảm về quanh 99,50.
Theo các nhà phân tích, bên cạnh nỗi lo về triển vọng tài chính, các nhà đầu tư cũng lo ngại kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái cùng với kinh tế toàn cầu nếu đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc không mang lại kết quả như mong đợi. Tiến độ khiêm tốn cho đến nay về các thỏa thuận thương mại cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng.
“Chúng tôi tiếp tục có sự bất ổn và lo lắng về tăng trưởng và lo lắng về khả năng chính phủ Mỹ tăng thêm nợ", Vis Nayar - Giám đốc đầu tư tại Eastspring Investments ở Singapore cho biết. “Chúng tôi không mong đợi một số loại sự đảo ngược trung bình trở lại sức mạnh của đồng đôla, nhưng về lâu dài, tất cả đều dẫn đến sự đa dạng hóa sang các quốc gia thị trường mới nổi này”.
Điều này có thể được thử nghiệm với các cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh dự kiến diễn ra tại Nhật Bản, khu vực đồng euro và Mỹ vào cuối ngày thứ Năm.
Sự chú ý cũng sẽ đổ dồn vào cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính G7 tại Canada, nơi mà các nhà lãnh đạo tài chính cố gắng đạt được thỏa thuận về một thông cáo chung chủ yếu đề cập đến các vấn đề không liên quan đến thuế quan.
Các nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thị trường tiền tệ có thể là một phần của các cuộc đàm phán thương mại, mặc dù Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí vào thứ Tư rằng tỷ giá hối đoái đôla-yên hiện phản ánh các yếu tố cơ bản.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu đã giảm vào thứ Năm sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó, nhờ thông tin lượng dầu thô và nhiên liệu dự trữ của Mỹ tăng, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu.
Trong khi đó giá vàng tăng nhẹ trong phiên thứ tư liên tiếp, nhờ đồng USD yếu hơn và nhu cầu trú ẩn an toàn.
Hà Vy