Ảnh minh họa.
Cụ thể, DSC được ACB cấp hạn mức tín dụng 600 tỷ đồng, thời hạn từ ngày cấp tín dụng đến hết ngày 11/5/2026. Khoản tín dụng này sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích như bổ sung vốn lưu động để chi trả chi phí vận hành, đầu tư hoặc hoàn vốn cho các giao dịch trái phiếu Chính phủ, đầu tư trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ.
Song song đó, DSC cũng đạt được thỏa thuận vay tín dụng từ PGBank với hạn mức 714 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các khoản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và tăng cường nguồn vốn cho hoạt động tự doanh của công ty.
Việc đẩy mạnh huy động vốn tiếp tục là chiến lược chủ đạo của DSC trong thời gian gần đây. Cuối tháng 4/2025, HĐQT công ty đã thông qua phương án phát hành 34,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, đồng thời chào bán thêm 35,34 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu thành công, vốn điều lệ của DSC sẽ được nâng lên 2.750 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, đợt chào bán 35,34 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ diễn ra với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến giúp công ty thu về 350,4 tỷ đồng. Trong đó, 203,4 tỷ đồng sẽ được phân bổ để đầu tư tự doanh chứng khoán, trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá khác; 150 tỷ đồng còn lại sẽ bổ sung cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2025, DSC ghi nhận doanh thu đạt 131 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 67 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2024, doanh thu và lợi nhuận giảm nhẹ lần lượt 2% và 9% do mức nền cao, nhưng vẫn ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ so với quý IV/2024 với mức tăng trưởng tương ứng 19% và 103%.
Năm 2025, DSC đặt mục tiêu kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 566,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 260,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,6% và 18,3% so với kết quả năm 2024.
Với kết quả đạt được trong quý I, DSC đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lợi nhuận năm 2025.
Trúc Anh