Trước đó, ông Bế Công Sơn đăng ký mua vào 4,3 triệu cổ phiếu HBS nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu, dự kiến thực hiện từ ngày 14/1/2025 đến ngày 12/2/2025 bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Như vậy, vị lãnh đạo này đã hoàn tất giao dịch trong khoảng 1 tuần.
Mặt khác, ông Lê Duy Phúc, cổ đông lớn của Chứng khoán Hòa Bình đã bán toàn bộ 4,3 triệu cổ phiếu HBS để giảm sở hữu xuống còn 0% và không còn là cổ đông lớn của Công ty. Giao dịch được thực hiện ngày 21/1.
Thống kê phiên giao dịch ngày 21/1, cổ phiếu HBS đã thỏa thuận thành công 4,3 triệu cổ phiếu với tổng giá trị đạt 26,66 tỷ đồng, tương ứng mức giá giao dịch bình quân đạt 6.200 đồng/CP.
Gần đây, cổ phiếu HBS đã liên tiếp có những phiên khởi sắc. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/2, cổ phiếu HBS đứng tại mức giá 6.600 đồng/CP, tăng gần 5% trong 5 phiên gần đây và tăng 6,5% so với mức giá giao dịch bình quân mà vị lãnh đạo Công ty đã mua vào ở trên.
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2024, Chứng khoán Hòa Bình ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 24,9 tỷ đồng, giảm 35,44% so với năm 2023; lợi nhuận trước và sau thuế đạt vỏn vẹn 7 tỷ đồng và 5,6 tỷ đồng, cùng giảm tới hơn 68% so với năm trước.
So với kế hoạch năm 2024 là doanh thu 72 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 46 tỷ đồng, HBS mới hoàn thành 34,58% và 15,22% các mục tiêu đề ra.
Riêng quý IV/2024, Chứng khoán Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 5,95 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là hơn 3 tỷ đồng, thu nhập hoạt động khác gần 2,9 tỷ đồng, còn doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán chỉ đạt hơn 35 triệu đồng, chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL chưa tới 1 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm trước đạt gần 1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ của HBS đạt vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 4,88 tỷ đồng của quý IV/2023.
N.T