Ảnh minh họa
Chiến lược đầu tư: Giữ thế thủ
Trong bối cảnh hiện tại, Công ty Chứng khoán Beta khuyến nghị nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trong các quyết định giải ngân. Theo đó, việc hạn chế mua đuổi giá cao, đồng thời ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang thu hút dòng tiền là chiến lược hợp lý. Nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc chốt lời từng phần đối với những mã đã đạt kỳ vọng, nhằm hiện thực hóa lợi nhuận và tái cơ cấu danh mục hiệu quả.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng dù tín hiệu điều chỉnh chưa rõ ràng, nhưng đây là thời điểm nên tăng cường thận trọng. CSI khuyến nghị nhà đầu tư nên chủ động hiện thực hóa lợi nhuận và đưa tỷ trọng cổ phiếu về vùng an toàn, khoảng 20–25% tổng tài sản. Ở chiều mua mới, CSI kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh mốc 1.250 điểm — nơi có thể mang lại vị thế mua an toàn hơn cho nhà đầu tư kiên nhẫn.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đánh giá thị trường vẫn đang trong quá trình phục hồi với nhiều mã và nhóm ngành có tín hiệu tích cực. Diễn biến mua ròng trở lại của khối ngoại sau giai đoạn bán ròng mạnh trước đó đang là động lực chính giúp chỉ số VN30 tăng điểm, tiến sát vùng 1.400 điểm. Tuy nhiên, sau khi phục hồi từ vùng 1.080 – 1.130 điểm lên 1.320 – 1.340 điểm, chỉ số VN-Index hiện không còn nằm ở vùng giá hấp dẫn cho hoạt động giải ngân mới.
Dòng tiền phân hóa, thị trường rung lắc quanh vùng đỉnh cũ
Phiên giao dịch ngày 15/5 ghi nhận sự rung lắc mạnh khi VN-Index tiếp cận vùng đỉnh tháng 3/2025. Chỉ số mở cửa trong sắc xanh nhưng chịu áp lực điều chỉnh từ các cổ phiếu đã tăng mạnh như VIC, VHM, GEX… Trong khi đó, nhóm ngân hàng đóng vai trò nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index chốt phiên tăng 3,47 điểm (+0,26%) lên mức 1.313,20 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể, với giá trị khớp lệnh tăng 14,3% so với phiên trước và cao hơn 26,7% so với trung bình 20 phiên gần nhất. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt 1.118 triệu cổ phiếu (+4%), tương ứng giá trị 25.908 tỷ đồng (-5,3%).
Dù thị trường tăng điểm, độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên bán với 13/21 nhóm ngành giảm điểm. Ngân hàng (+1,14%), Xây dựng (+1,11%) và Phân bón (+0,69%) là ba nhóm tăng mạnh nhất. Ngược lại, Bất động sản (-1,5%), Thủy sản (-0,93%) và Công nghệ - Viễn thông (-0,81%) ghi nhận mức điều chỉnh sâu nhất.
Về giao dịch khối ngoại, lực mua ròng duy trì tích cực với giá trị đạt +918 tỷ đồng. MBB (+554 tỷ đồng) và SHB (+293 tỷ đồng) là hai mã ngân hàng dẫn đầu về giá trị mua ròng, theo sau là FPT (+158 tỷ đồng). Ở chiều bán, nhóm Vingroup bị rút ròng mạnh với VHM (-633 tỷ đồng) và VRE (-237 tỷ đồng).
Dù xu hướng tăng trung hạn của thị trường vẫn được củng cố, nhưng áp lực chốt lời ngắn hạn đang gia tăng khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự mạnh. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, tránh mua đuổi trong vùng giá cao và tập trung vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản cao và được dòng tiền thông minh chú ý.
Cẩm Vân